Chọn thời điểm phù hợp để phá băng
COVID-19 đã khiến nhu cầu du lịch đến các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 8,6% so với năm ngoái. Tuy nhiên, chúng ta bắt đầu thấy có sự phục hồi về nhu cầu du lịch ở Việt Nam từ giữa tháng 4 đến nay khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Sự phục hồi này đa phần nhờ vào nhu cầu du lịch nội địa.
Trước bối cảnh đất nước dần trở lại bình thường, ngành du lịch Thủ đô đang từng bước khôi phục hoạt động, song với lĩnh vực lưu trú, ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn còn rất nặng nề. Thực tế, ngay khi dịch COVID-19 được kiểm soát, thành phố Hà Nội đã cho phép nhiều đơn vị kinh doanh hoạt động trở lại. Thế nhưng, trong lĩnh vực du lịch, nhiều khách sạn 5 sao cho đến cơ sở lưu trú vừa và nhỏ vẫn “cửa đóng then cài”. Trong lúc này, các cơ sở lưu trú cần linh hoạt, sáng tạo, liên kết chặt chẽ với các đơn vị trong ngành để cùng nhau vượt qua khó khăn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đến nay, chỉ có một số khách sạn thật sự hoạt động như: JW Marriott, Sheraton, Lotte, InterContinental Hanoi Landmark72... Số còn lại mở cửa chủ yếu để duy trì, thậm chí có những khách sạn danh tiếng phải tạm dừng hoạt động đến hết tháng 5 và tháng 6 như: Hilton Hanoi Opera, Meliá...
Hoạt động của các khách sạn 4-5 sao phụ thuộc vào lượng khách quốc tế. Khi khách quốc tế chưa thể đến Việt Nam do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì dù các khách sạn tại Việt Nam có giảm giá tới 40-50% cũng vẫn không nâng được công suất buồng, phòng.
Tại khu vực phố cổ Hà Nội, các khách sạn vừa và nhỏ, homestay trên phố Tạ Hiện, Hàng Bạc, Hàng Bè... hầu như không có khách. Nhiều tháng nay, dịch vụ lưu trú ở đây “đóng băng”.
Từ những thực tế trên, ngành du lịch Hà Nội cần thiết phải chọn thời điểm phù hợp để phá băng, mở rộng đường cho kích cầu du lịch nội địa.
Hà Nội đã cho phép nhiều đơn vị kinh doanh hoạt động trở lại.
Giải pháp nào cho du lịch Hà Nội?
Hiện tại, Việt Nam chưa đón khách du lịch quốc tế, do đó, phát triển du lịch nội địa là mục tiêu trước mắt của ngành du lịch. Nhiều khách sạn đã thực hiện giảm giá chưa từng có để kích cầu với mức giảm từ 50-70%. Tuy nhiên, để thu hút khách, việc giảm giá phòng chỉ là giải pháp tình thế. Các cơ sở cần phải tổ chức hoạt động kinh doanh một cách linh hoạt khi chưa có nhiều khách.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trên địa bàn thành phố có gần 3.500 cơ sở lưu trú với gần 61.000 buồng, phòng. Trong 4 tháng đầu năm 2020, công suất bình quân khối khách sạn chỉ đạt 35,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Giám đốc Kinh doanh khách sạn Sheraton, những tháng hè không phải mùa cao điểm của du lịch Hà Nội nên các khách sạn cần liên kết chặt chẽ với các đơn vị lữ hành để thực hiện những sản phẩm du lịch trọn gói với mức chi phí hấp dẫn.
Giám đốc khách sạn Mường Thanh Grand Hà Nội Nguyễn Thanh Tuấn cho rằng, các đơn vị cần nâng cao tính chuyên nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quảng bá hình ảnh để phát triển du lịch hội thảo (MICE), tổ chức sự kiện.
Lãnh đạo quản lý hệ thống nhà hàng Sen chia sẻ: Để kích cầu du lịch nội địa Hà Nội, ngoài việc liên kết chung, các đơn vị cần phát huy thế mạnh riêng. Đặc biệt là đẩy mạnh kinh doanh ẩm thực, thu hút du khách nhờ vào hệ thống nhà hàng với thực đơn hấp dẫn, mức giá hợp lý.
Về giải pháp cho du lịch Hà Nội trong thời gian tới, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, Hà Nội sẽ thực hiện kích cầu du lịch bằng việc kêu gọi các điểm đến, cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành cùng cam kết giảm giá, dành ưu đãi cho du khách; ra mắt những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn và rõ tính đặc trưng của Hà Nội. Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức những sự kiện như lễ hội văn hóa, ẩm thực để thu hút khách tham quan.
“Để thu hút khách và giữ chân khách du lịch ở Hà Nội lâu hơn, lưu trú dài hơn, sử dụng nhiều dịch vụ hơn, cần có giải pháp đồng bộ, trong đó cần sự đoàn kết, kiên trì, sáng tạo của tất cả các đơn vị trong ngành”, ông Trần Đức Hải nhấn mạnh.