Du lịch gắn với di sản: Vừa mừng, vừa lo

30-06-2018 09:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ngoài giá trị văn hóa, lịch sử thì các di sản (thiên nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể) tại Việt Nam được xem là nền tảng, bệ phóng giúp ngành du lịch phát triển.

Trên thực tế, nhiều địa phương ở nước ta nhờ các di sản đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch gắn với di sản ở Việt Nam cũng cho thấy nhiều lo âu, trăn trở...

Thúc đẩy du lịch phát triển

Không khó để nhận thấy, Việt Nam là quốc gia có nhiều loại hình di sản đã vươn tầm nhân loại và được người dân trên thế giới biết đến. Thực tế phản ánh, địa phương nào sở hữu nhiều di sản, di tích lịch sử thì ngành du lịch rất khởi sắc. Vì thế, 5 tháng đầu năm 2018, lượng khách du lịch đến thăm quan và chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đạt khoảng 2,1 triệu lượt, trong đó có 1,45 triệu lượt khách quốc tế. Tại Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội cũng vừa đưa ra thống kê, 6 tháng đầu năm 2018, Thủ đô đón khoảng trên 13 triệu lượt khách du lịch, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017 và khách du lịch quốc tế ước đạt trên 3 triệu lượt người, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, phố cổ Hội An (Quảng Nam) cũng đang là điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước. Thống kê từ UBND TP. Hội An gần đây đã phản ánh rõ điều này khi 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượng khách thăm quan, lưu trú tại Hội An ước đạt 2,68 triệu lượt, tăng 69% so với cùng kỳ (khách quốc tế khoảng 2 triệu lượt, tăng hơn 23%). Trong đó, tổng lượt khách mua vé thăm quan khu di sản tại Hội An ước hơn 1,197 triệu lượt, tăng 22% so với cùng kỳ.

Du lịch gắn với di sản: Vừa mừng, vừa loThời gian qua, du khách trong và ngoài nước vẫn tấp nập đến thăm quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Các chuyên gia văn hóa cho rằng, để có được kết quả kể trên, các địa phương đã không ngừng nỗ lực gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của di sản và đồng thời tích cực quảng bá du lịch, chuẩn bị chu đáo về cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các điểm thăm quan… nhằm tăng sự hấp dẫn, tạo hình ảnh đẹp, thân thiện và giàu bản sắc đối với du khách. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng để ngành du lịch các địa phương phát triển khi địa phương đó sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, di sản văn hóa tiêu biểu. Điều này không khó để nhận ra khi Sở Du lịch Hà Nội cho biết khách du lịch đến Thủ đô thường chọn các di sản, di tích như Hoàng thành Thăng Long, thành Cổ Loa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ Đường Lâm, làng gốm Bát Tràng, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đền Ngọc Sơn...

Trong khi đó, tại phố cổ Hội An, du khách lại được chiêm ngưỡng những ngôi nhà cổ với kiến trúc độc đáo hàng trăm năm tuổi tới nay vẫn được người dân gìn giữ, bảo tồn. Ngoài ra, tại Hội An thời gian qua, các chương trình văn hóa có thương hiệu Đêm phố cổ, Phố đi bộ và không tiếng động cơ, Chợ đêm, Cù lao Chàm - Đảo xanh quyến rũ... đã tạo nên nhiều loại hình du lịch dựa trên nếp sống thuần hậu của người Hội An và các giá trị thiên nhiên ban tặng rất hút du khách quốc tế.

Nhiều phiền muộn

Theo TS. Mai Hà Phương, Trưởng khoa Du lịch (Trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh), trong phát triển du lịch tại các khu di sản, cần giải quyết hài hòa mối quan hệ và quyền lợi của các bên tham gia, nhất là cộng đồng địa phương với tư cách là chủ nhân của di sản trong các hoạt động bảo vệ, quản lý và khai thác di sản, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để tạo thêm nguồn kinh phí cho trùng tu, bảo tồn di sản. Tuy nhiên tại Việt Nam, dù nhiều địa phương hút khách du lịch nhờ các di sản nhưng nhiều phiền muộn vẫn hiện hữu.

Dư luận từng bàng hoàng bởi khi các hang động ở Vịnh Hạ Long trở thành địa điểm tổ chức những dạ tiệc xa hoa cho du khách. Động Thiên Đường thuộc quần thể di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) từng có nguy cơ trở thành nơi tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2017, hay động Sơn Đoòng cũng từng bị đe dọa khi có dự án xây dựng cáp treo và khai thác con đường thám hiểm xuyên động này. Các sự việc nói trên, dù có cái đã diễn ra và mới chỉ nằm trên giấy tờ nhưng đều gây bức xúc trong dư luận. Bởi lẽ, khi các hành vi được thực hiện trong lòng di sản đều có thể gây ảnh hưởng hoặc trực tiếp phá hỏng các di sản độc nhất vô nhị tại Việt Nam.

Gần đây nhất, báo giới cũng tốn nhiều giấy mực với sự việc một công ty du lịch tại Ninh Bình ngang nhiên, liều lĩnh tự ý xây dựng hơn 900 bậc thang bằng bê tông cốt thép, với tổng chiều dài hơn 510m vào khu vực núi Cái Hạ thuộc vùng lõi Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An. Bên cạnh sai phạm tại núi Cái Hạ, công ty du lịch này còn nhiều sai phạm khác như sử dụng hướng dẫn viên không phép, phát hành băng đĩa giới thiệu về di tích lịch sử với nội dung chưa được thẩm định, tự ý phát hành vé và thu tiền vé của khách thăm quan trái với quy định...

Ngoài ra, tại các địa điểm thăm quan di tích, di sản ở Hà Nội, Huế, Hội An, Vịnh Hạ Long..., nhiều du khách trong và ngoài nước luôn phải đối mặt với tình trạng người bán hàng rong đeo bám hoặc nguy hiểm hơn là dàn cảnh móc túi, bán sản phẩm với giá “cắt cổ”...  Những sự việc này khiến du khách mất cảm tình với hình ảnh, con người địa phương nói riêng và đây cũng là rào cản trong việc phát triển du lịch gắn liền với di sản, di tích lịch sử ở Việt Nam nói chung.


Trung Kiên
Ý kiến của bạn