COVID-19 đã và đang có nhiều tác động tiêu cực lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh là nông nghiệp, vận tải, xuất – nhập khẩu, du lịch... Riêng với du lịch, nhiều năm qua, thị trường Trung Quốc luôn đứng đầu trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm tỷ trọng cao nhất, trung bình chiếm khoảng 30%.
Bên cạnh việc mất đi 30 % tổng lượng khách, dịch bệnh do COVID-19 cũng đã “cấm cản” nhiều khách quốc tế từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác tới Việt Nam, cũng như “cấm cản” lượng du khách nội địa. Theo ước tính của Bộ Kế hoạch Đầu tư: Nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế là khoảng 2,3 tỷ USD. Nếu dịch kéo dài hết quý II, thiệt hại khoảng 5 tỷ USD.
Ảnh hướng do dịch bệnh do COVID-19 gây ra không chỉ biểu hiện qua những con số ước tính mà đã tắc động trực tiếp đến đời sống mỗi cá nhân trong ngành du lịch. Đặng Như Bình, 23 tuổi, quê ở Thanh Hóa là một hướng dẫn viên du lịch tự do đang sinh sống, làm việc trên địa bàn Nghệ An.
Đoàn công tác của Sở Du lịch Nghệ An kiểm tra phòng chống dịch COVID - 19
Vội vã ăn Tết ở quê, Bình trở lại Vinh để sớm bắt tay vào công việc dẫn đoàn trong mùa du lịch tâm linh, du xuân đầu năm. Mùa du Xuân 2019, thu nhập của một hướng dẫn viên tự do Như Bình nằm từ 11-15 triệu đồng/tháng. Mùa du Xuân 2020, Bình hoàn toàn thất nghiệp bởi các đoàn hủy tour, du khách không đi du lịch. Đặng Như Bình chia sẻ: “Thất nghiệp! Để tồn tại hiện em đang làm chạy bàn cho 1 quán cà phê với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày làm việc 3 ca”.
“Hủy tour” đã là một cụm từ đau đớn đến quen thuộc mà các công ty kinh doanh lữ hành du lịch gặp phải trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 này. Một lãnh đạo công ty du lịch đã “tái mặt, líu giọng” khi trong 1 buổi sáng phải nhận tới 7 cuộc gọi hủy tour đặt trước đó.
Hầu hết công ty kinh doanh lữ hành du lịch ở Nghệ An đã “trắng lịch” trong Quý I/2020. Trên mạng xã hội, một số lãnh đạo công ty lữ hành du lịch đã treo ảnh đại diện “chiếc bị, cái gậy” để nói về thảm cảnh của mình. Ông Tạ Khắc Uyên, giám đốc một công ty du lịch chia sẻ: “Kinh doanh lữ hành thì có khách mới có thu nhập. Bây giờ, không có khách, công ty chưa biết kiếm đâu nguồn thu để duy trì hoạt động, trả lương cho anh em. Riêng tiền bảo hiểm xã hội, công ty tôi mỗi tháng đã phải đóng 36 triệu đồng”...
Tương tự các công ty lữ hành, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú cũng liên tục nhận báo “hủy phòng”. Ước tính các cơ sở lưu trú đã giảm 60-70% lượng khách so với cùng kỳ. Trong tháng 02/2020, có ngày 600 nhân viên Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Safari Diễn Lâm phục vụ số du khách là 0.
Tại Nghệ An, để phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả và đồng hành cùng doanh nghiệp, Sở Du lịch Nghệ An thành lập 03 đoàn công tác thực hiện kiểm tra, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp tại các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, nhà hàng, các khu, điểm di tích.
Đoàn công tác của Sở Du lịch Nghệ An đã có những trao đổi, chia sẻ khó khăn với các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp kinh doanh du lịch; cũng như bàn bạc tìm giải pháp nhằm khôi phục, thúc đẩy du lịch tăng trưởng trở lại sau khi hết dịch... Nnhững hoạt động hỗ trợ của Sở Du lịch Nghệ An thực hiện trong giai đoạn này là tổ chức khoá cập nhật kiến thức dành cho các hướng dẫn viên có thẻ sắp hết hạn trong năm 2020; tổ chức truyền thông điểm đến, tour tuyến của các doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch cùng các doanh nghiệp xúc tiến tại các thị trường mới sau khi hết dịch.
Vào thời điểm này, hầu như tất cả các cơ sở lưu trú, khu du lịch, doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh đều bị hủy tour tuyến, không có khách để phục vụ. Các doanh nghiệp du lịch tại Nghệ An đã và đang tìm cách thích nghi, chuyển hướng để tồn tại. Chị Lê Phương Anh, giám đốc một doanh nghiệp cho hay: “Là thiên tai địch họa, chúng ta đã không thể chạy trốn dịch bệnh thì cần nên dũng cảm đối mặt, bình tĩnh thông minh và xem đây như một cơ hội khác.
Trong thời gian vắng du khách nay, công ty sẽ chuyển sang hoạt động các mảng sự kiện như họp lớp, hội khóa. Bên cạnh đó, bản thân công ty sẽ tập trung vào việc sắp xếp lại tổ chức, đào tạo đội ngũ, nâng cao chất lượng phục vụ, trau chuốt lại mảng hình ảnh truyền thông. Đồng thời, công ty cũng vẫn sẽ tích cực tổ chức bán tour, đưa du khách tới các vùng không có dịch”.
Đồng hành cùng các cấp ngành, hiện nay các công ty du lịch trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang tích cực phòng chống dịch bệnh do COVID - 19 gây ra. Ông Nguyễn Hữu Bắc, giám đốc một công ty du lịch chia sẻ: “ Với dịch bệnh, điều cần làm bây giờ là chúng ta cùng đoàn kết mà chiến đấu. Chiến đấu ở đây là nắm bắt đầy đủ thông tin về dịch bệnh; cùng các đơn vị, cấp ngành chung tay tuyên truyền đúng về dịch bệnh, không gây hoang mang trong dư luận; tích cực đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân bằng các việc làm thiết thực ý nghĩa như phát khẩu trang, dung dịch vệ sinh miễn phí.
Bên cạnh đó, trong thời gian vắng khách này tập trung đào tạo lại nhân viên về nghiệp vụ, tuyến điểm; xây dựng cơ sở vật chất; làm việc với các đối tác nước ngoài, chuẩn bị sản phẩm mới, tuyến mới nhằm sẵn sàng cho quảng bá sau khi ngày dịch kết thúc. Hiện tại, các công ty du lịch chúng tôi đều đang tích cực chiến đấu”.
Tại buổi Đối thoại, bàn giải pháp phát triển du lịch trong bối cảnh dịch bệnh COVID – 19, TS. Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ: Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa có cơ sở khoa học để dự đoán thời điểm dịch bệnh thoái trào.
Vậy nên, lúc này, Nghệ An đã, đang và sẽ tiếp tục ưu tiên, tập trung cao độ phòng chống dịch bệnh. Để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVD-19 hiệu quả thì quan trọng nhất là việc phát hiện sớm yếu tố gây bệnh. Hơn ai hết, các đơn vị doanh nghiệp du lịch trong tỉnh cần làm tốt công tác giám sát, thống kê du khách từng đi qua vùng dịch, báo cáo kịp thời về Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ, Sở Y tế.
Đồng thời đề nghị các đơn vị thực hiện tốt chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Sở Du lịch về công tác phòng chống dịch COVID - 19; làm tốt công tác vệ sinh môi trường, phun hóa chất khử trùng; tuyên truyền về dịch bệnh cho du khách và cán bộ nhân viên; ổn định tổ chức; thực hiện công tác đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng phục vụ; xây dựng tâm thế và các sản phẩm du lịch để sẵn sàng đón du khách khi hết dịch.