Theo bà Dương Bích Hạnh (Văn phòng UNESCO tại Việt Nam), di sản văn hóa là yếu tố quan trọng để thúc đẩy du lịch. Ngược lại, du lịch góp phần phục hồi, bảo tồn di sản, đem lại lợi ích kinh tế và tăng cường đối thoại, trao đổi giữa các nền văn hóa. Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển du lịch di sản khi sở hữu 12 di sản phi vật thể, 5 di sản vật thể và 1 di sản hỗn hợp (di sản thiên nhiên và văn hóa), 6 di sản tư liệu thế giới được UNESCO vinh danh. Cùng với đó, quốc gia hình chữ S hiện có 34 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 3.000 di tích quốc gia, các báu vật quốc gia, di vật, cổ vật... Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, di sản văn hóa được xem là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch bền vững tại các nước trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.
Không khó để nhận thấy những năm gần đây, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng theo thời gian. Điều này đến từ nhiều yếu tố, trong đó việc các địa phương đã mở ra những tour du lịch di sản. Tại Hà Nội, Ban Quản lý di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có chương trình du lịch “Truyền thống hiếu học” phục vụ du khách. Theo đó, sau khi tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, du khách sẽ tới Bảo tàng Mỹ thuật để cảm nhận rõ hơn về tinh thần hiếu học, giá trị truyền thống qua các tác phẩm mỹ thuật kinh điển như Ông nghè vinh quy, Đi học chữ Bác Hồ, Cầm đuốc đi học, Ẵm em đọc sách... Cũng tại Thủ đô, tour tham quan tổng thể di sản Hoàng thành Thăng Long, thềm điện Kính Thiên, Hậu Lâu và Bắc Môn, dâng hương tưởng nhớ 52 vị vua các triều đại... đã được triển khai thu hút đông đảo du khách.
Trong khi đó, từ tháng 4/2018, Sở VH-TT tỉnh Phú Thọ tổ chức tour du lịch hằng ngày Hà Nội - Phú Thọ với chủ đề “Về miền đất Tổ Hùng Vương” nối các điểm du lịch: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Bảo tàng Hùng Vương - Làng cổ Hùng Lô - Miếu Lãi Lèn. Ngoài việc được đến các điểm di sản văn hóa, du khách tham gia tour du lịch này còn được hòa mình vào các điệu hát Xoan - di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận.
Ngoài ra, tại TP. Đà Nẵng, một số tuyến du lịch với điểm đến là các di sản văn hóa gần đây đã được triển khai như: Đà Nẵng - Ngũ Hành Sơn - Hội An; Đà Nẵng - Ngũ Hành Sơn - bán đảo Sơn Trà... Đáng mừng hơn nữa, thống kê của Ban Quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho thấy, năm 2017, danh thắng này đón hơn 1,4 triệu lượt khách nhưng tháng 10/2018 vừa qua nơi đây đón hơn 1,5 triệu lượt khách. Ngoài ra, ở thành phố Huế, hiện nay Nhã nhạc cung đình Huế vẫn được biểu diễn hằng ngày ở Duyệt thị đường; biểu diễn ca Huế trên sông Hương thường xuyên diễn ra để phục vụ du khách. Nghệ thuật Bài chòi lại diễn ra vào các buổi tối tại phố cổ Hội An (Quảng Nam); nghệ thuật đờn ca tài tử tại nhiều tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long... cũng được đưa vào các tour du lịch.
Thực tế trên cho thấy, du lịch di sản đang được triển khai rộng rãi ở Việt Nam. Điều này giúp các di sản, di tích lịch sử - văn hóa lan tỏa và phát huy các giá trị vốn có tới cộng đồng và góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá du lịch di sản ở nước ta còn một số hạn chế như xâm hại cảnh quan, môi trường, di tích hoặc cách làm còn đơn điệu và trùng lặp... Ngoài ra, nguồn nhân lực cho khai thác du lịch di sản còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Do đó, để du lịch di sản thu về nhiều thành tựu hơn nữa, chúng ta cần đào tạo nguồn nhân lực am hiểu cả về văn hóa và kinh doanh du lịch. Thường xuyên kiểm kê hệ thống di sản và nghiên cứu, đánh giá giá trị của các di sản để quản lý và xây dựng chiến lược khai thác một cách bài bản. Trong khi đó, du khách cần nâng cao nhận thức để không xâm hại di sản, di tích, danh thắng... tại tour du lịch di sản mà mình tham gia.