Căng thẳng ở biển Đông đang tác động đến ngành công nghiệp không khói, Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch ban hành kế hoạch chỉ đạo phối hợp triển khai một số giải pháp cấp bách thông tin, xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm để thu hút khách...
Biến thách thức thành cơ hội
Gần đây, khách Trung Quốc sang Việt Nam giảm đột ngột, nhiều du khách Việt Nam hủy tour đi Trung Quốc... Được biết, năm 2013, có 1,9 triệu lượt khách Trung Quốc tới Việt Nam, trong đó có 760.000 lượt người đi bằng đường bộ, có mức chi tiêu 300 USD/người/chuyến; khoảng 1,14 triệu lượt người đi bằng đường hàng không, mức chi tiêu khoảng 700 USD/người/chuyến. Mức chi tiêu trung bình cho mỗi khách Trung Quốc ở Việt Nam khoảng 500 USD/người/chuyến. Trong khi đó, một du khách Nga chi tiêu từ 2.200 - 2.500 USD/chuyến tại Việt Nam. Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Bắc Mỹ... cũng có mức chi tiêu từ 2.000 USD trở lên, đặc biệt có những phân khúc thị trường, khách quốc tế chi tới 4.000 USD/người/chuyến tại Việt Nam.
Theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, việc bớt lệ thuộc vào khách hàng cũ sẽ tạo lực để tập trung vào các thị trường đầy tiềm năng khác như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ, Tây Âu, Úc, ASEAN... Đồng tình với quan điểm này, ông Tào Văn Nghệ - Giám đốc khách sạn Rex đề nghị các đơn vị hàng không, khách sạn và lữ hành bắt tay tạo nên các chương trình kích cầu du lịch quốc tế, giảm giá thật sâu các hành trình, tạo điều kiện thu hút bạn bè khắp nơi trên thế giới. Bà Nguyễn Thị Khánh - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp Hội du lịch TP. Hồ Chí Minh kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét miễn giảm thị thực thêm cho 12 quốc gia và vùng lãnh thổ để tăng cường thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam.
Đã có nhiều kiến nghị với các cơ quan chức năng trong việc chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành như: miễn giảm thuế đối với xe vận chuyển khách du lịch, hỗ trợ, giảm giá lệ phí làm visa, đơn giản các thủ tục hành chính tránh phiền hà cho du khách. Cũng có ý kiến đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch xây dựng Văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở một số thị trường du lịch trọng điểm.
Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn
Được biết, Bộ đã xây dựng dự thảo Kế hoạch chỉ đạo phối hợp triển khai một số giải pháp cấp bách về truyền thông, xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm để thu hút khách du lịch. Trong đó, thống nhất kế hoạch, triển khai một số giải pháp cấp bách về môi trường du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm để thu hút khách du lịch.
Trong phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch vừa được tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc khách du lịch Trung Quốc sụt giảm là đáng ngại nhưng không nên bi quan. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Phương châm hành động về du lịch năm nay của chúng ta là an toàn, thân thiện, chất lượng. Để làm được, cần huy động sức mạnh và sự quyết tâm của cả các cơ quan nhà nước liên quan, doanh nghiệp du lịch và người dân. Theo Phó Thủ tướng, dường như chúng ta chưa vận động tốt để người dân cùng làm du lịch, trong khi chỉ cần một nụ cười, một hành động nhặt rác của người dân cũng góp phần mang lại môi trường du lịch trong sạch, thân thiện. Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, lúc này, cần chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương trong ngành du lịch, kiên quyết xử lý các vi phạm làm ảnh hưởng tới hình ảnh đất nước như: taxi dù, kinh doanh lữ hành lậu...
Những đề xuất về việc giải quyết nhiều vướng mắc về mặt thủ tục giấy tờ để tạo nên sức hút mới cho ngành công nghiệp mũi nhọn này đã nhận được sự đồng tình từ nhiều phía. Phải tính toán, tăng khách ở thị trường khác để bù vào những thiếu hụt từ thị trường Trung Quốc và các thị trường khách nói tiếng Trung. Khách Trung Quốc có thể sẽ giảm so với năm trước nhưng phải giữ mức tăng trưởng chung lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng tổng thu từ du lịch. Đáp ứng những đề xuất cũng như thực hiện các yêu cầu trên cũng chính là cơ hội “ghi điểm” của ngành du lịch trước xã hội.
Thanh Hà