Chấm nhất ngày 13/7 các Hội đồng thi phải xuất kết quả chấm thi
Đại diện Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: đến thời điểm này công tác chấm thi diễn ra tốt đẹp, đúng lịch trình, kế hoạch. Hầu hết các địa phương đã gửi dữ liệu về cho Bộ GD&ĐT. Công tác kiểm tra của các đoàn thanh tra Bộ GD&ĐT tại các địa phương cũng cho thấy năm nay khâu chấm thi trắc nghiệm lẫn tự luận được đánh giá khá tốt. Điều này thể hiện ở các quy định, quy trình được thực hiện rất chặt chẽ. Các yêu cầu về trang thiết bị hỗ trợ cho công tác chấm thi cũng đáp ứng được yêu cầu.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, chậm nhất ngày 13/7 các Hội đồng thi phải xuất kết quả chấm thi từ phần mềm hỗ trợ chấm thi do Bộ GD&ĐT cung cấp ra hai đĩa. Trong đó một đĩa được lưu tại sở GD&ĐT theo chế độ mật, một đĩa gửi về Cục Quản lý chất lượng để cập nhật kết quả thi vào hệ thống quản lý thi. Và chậm nhất ngày 16/7 các Sở GD&ĐT phải cập nhật danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT vào hệ thống quản lý thi. Chậm nhất ngày 18/7 các Sở GD&ĐT phải công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ.
Nhận phúc khảo bài thi: 14/7 đến hết 23/7
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, 14/7 đến hết ngày 23/7/2019, các đơn vị đăng ký dự thi sẽ thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo của thí sinh.
Mọi thí sinh đều có quyền được phúc khảo bài thi. Thí sinh đăng ký dự thi ở đâu thì nộp đơn phúc khảo ở nơi đó.
Trường phổ thông, nơi thí sinh đăng ký dự thi nhận đơn phúc khảo của thí sinh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi và chuyển dữ liệu thí sinh xin phúc khảo bài thi đến Hội đồng thi.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, Hội đồng thi phải công bố và gửi kết quả phúc khảo cho thí sinh.
Tổ chức phúc khảo bài thi (nếu có) hoàn thành chậm nhất ngày 2/8/2019.
Hoàn thành việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo chậm nhất ngày 4/8/2019.
Công bố “điểm sàn” sư phạm, y dược: Dự kiến trước 21/7
Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe sự kiến trước ngày 21/7.
Các trường ĐH, CĐSP, TCSP điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và trang thông tin điện tử của trường dự kiến trước ngày 22/7.
Điều chỉnh nguyện vọng từ 22/7
Thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) theo phương thức trực tuyến dự kiến từ 22/7 đến 17 giờ ngày 29/7.
Thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT bằng Phiếu ĐKXT dự kiến từ 22/7 đến 17 giờ ngày 31/7.
Thí sinh kiểm tra kết quả điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT và đề nghị điều chỉnh sai sót nếu có (chỉ áp dụng đối với thí sinh điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT bằng phiếu): Dự kiến trước 17 giờ ngày 2/8.
Điểm thu nhận hồ sơ hoàn thành việc cập nhật thông tin về điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT của tất cả thí sinh vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT: Dự kiến trước 17 giờ ngày 3/8.
Thí sinh trúng tuyển thẳng xác nhận hồ sơ nhập học trước 23/7
Trước 17 giờ ngày 18/7, các trường ĐH, CĐSP, TCSP tổ chức xét tuyển thẳng thí sinh theo quy định, cập nhật danh sách trúng tuyển vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và gửi kết quả xét tuyển thẳng cho các sở GD&ĐT để thông báo cho thí sinh.
Thí sinh trúng tuyển thẳng phải gửi hồ sơ và xác nhận nhập học tại các trường trước ngày 23/7.
Xét tuyển đợt 1: Dự kiến từ 6/8
Các trường sẽ thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 theo Quy chế tuyển sinh dự kiến từ 6/8 đến 17 giờ ngày 8/8.
Công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 dự kiến trước 17 giờ ngày 9/8.
Thí sinh xác nhận nhập học đợt 1: Dự kiến trước 17 giờ ngày 15/8 (tính theo dấu bưu điện).
Các trường ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp (TC) sư phạm cập nhật thông tin thí sinh xác nhận nhập học vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT: Dự kiến trước 17 giờ ngày 19/8.
Xét tuyển bổ sung: Dự kiến từ 28/8
Các trường ĐH, CĐ sư phạm, TC sư phạm xét tuyển bổ sung (các trường chủ động công bố lịch tuyển sinh bổ sung trước 10 ngày so với ngày xét tuyển): Dự kiến từ ngày 28/8.
Các trường ĐH, CĐ sư phạm, TC sư phạm xét tuyển bổ sung và cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định (đ khoản 1 Điều 13): Dự kiến từ tháng 3 đến 12/2019.
Các trường ĐH, CĐ sư phạm, TC sư phạm báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2019: Trước ngày 31/12/2019.
Về việc làm tròn điểm thi
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, việc làm tròn điểm thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ dựa trên điểm chấm thi sẽ theo thang điểm 10 và điểm lẻ của tổng điểm toàn bài thi sẽ làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Điểm của bài thi tổ hợp là trung bình cộng điểm của các môn thi thành phần, quy về thang điểm 10, làm tròn đến 2 chữ số thập phân.
Với thí sinh chọn cả 2 bài thi tổ hợp, máy tính sẽ tự động chọn bài thi điểm cao nhất và không có môn thành phần nào bị điểm liệt để xét tốt nghiệp.
Theo đó cách làm tròn điểm thi THPT quốc gia năm 2019 về quy định vẫn được giữ nguyên như năm 2018 ví dụ thí sinh được 4,99 điểm thì không được cộng tròn thành 5 mà sẽ giữ nguyên.
Trong trường hợp đạt từ 4,991 đến 4,994 sẽ được làm tròn thành 4,99 điểm. Chỉ từ 4,995 đến 4,999 mới được cộng tròn thành 5 điểm.
Tương tự, với bài thi trắc nghiệm, điểm thi sẽ được quy đổi bằng máy tính sang thang điểm 10 và cũng làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm.
Điểm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và tổ hợp Khoa học xã hội là trung bình cộng điểm của các môn thi thành phần, quy về thang điểm 10 và làm tròn đến 2 chữ số thập phân.
Việc điều chỉnh cách làm tròn điểm thi THPT quốc gia nhằm phản ánh sát kết quả bài thi của thí sinh và đảm bảo công bằng giữa các thí sinh hơn.
Đối với bài thi THPT quốc gia tự luận, Quy chế thi THPT quốc gia quy định về cách thức chấm thi bài thi tự luận như sau: “Bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân”.
Ngày 14/7 công bố điểm thi THPT quốc gia 2019.
Phương án tuyển sinh, xét tuyển ĐH, CĐ
Trong văn bản gửi hướng dẫn triển khai công tác xét tuyển ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm năm 2019, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tiếp tục rà soát lại đề án tuyển sinh: chỉ tiêu, ngành, tổ hợp xét tuyển; bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển, mức chênh lệch điểm giữa các tổ hợp so với tổ hợp gốc, tiêu chí phụ, môn năng khiếu, điểm xét tuyển môn năng khiếu (nếu có)... Phải chính xác với cơ sở dữ liệu đã khai báo trong Hệ thống nghiệp vụ thi và tuyển sinh.
Trong trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung nội dung Đề án thì phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn và việc điều chỉnh không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường.
Nội dung đề nghị điều chỉnh cùng Đề án đã điều chỉnh của trường cần gửi về Bộ GD&ĐT (qua Vụ Giáo dục Đại học) từ ngày 4/7/2019 đến trước 17 giờ ngày 10/7/2019. Các trường vào cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để cập nhật thông tin Đề án điều chỉnh của trường, đảm bảo ngày 10/7/2019 phải công bố công khai Đề án (trước 10 ngày khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đợt 1).
Những mốc thời gian quan trọng sau khi biết điểm thi:
-Trước 17 giờ ngày 18/7: Các trường thông báo kết quả xét tuyển thẳng thí sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT.
-Dự kiến trước ngày 21/7, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe tới thí sinh.
-Dự kiến trước ngày 22/7, các trường công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển.
-Trước 17 giờ ngày 29/7: Thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phương thức trực tuyến.
-Trước 17 giờ ngày 31/7: Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phiếu đăng ký xét tuyển tại các điểm thu nhận hồ sơ.
-Trước 17 giờ ngày 2/8: Thí sinh kiểm tra kết quả điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
-Trước 17 giờ ngày 9/8: Các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp sư phạm công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.
-Trước 17 giờ ngày 15/8: Thí sinh xác nhận nhập học đợt 1.
-Từ ngày 28/8: Các trường Đại học và Cao đẳng thông báo xét tuyển bổ sung (nếu còn chỉ tiêu).