Dự kiến tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao lên từ 23 đến 27 người

08-05-2025 10:15 | Thời sự
google news

SKĐS - Dự kiến mô hình tổ chức hệ thống tòa 3 cấp gồm TAND Tối cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và TAND khu vực.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 9, sáng 8/5, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án nhân dân, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các quy định có liên quan.

Về mô hình, hệ thống tòa án được tổ chức 3 cấp gồm TAND Tối cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và TAND khu vực.

Theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, tại Tòa án nhân dân tối cao chỉ có từ 13 đến 17 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, không có các Thẩm phán khác nên hơn 10 năm qua (từ năm 2014 đến nay), không thể bổ nhiệm hay điều động các Thẩm phán khác về Tòa án nhân dân tối cao.

Dự kiến tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao lên từ 23 đến 27 người- Ảnh 1.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trình bày tờ trình sáng 8/5.

Tuy nhiên, sau khi tổ chức lại hệ thống tòa án, dự báo TAND Tối cao sẽ phải giải quyết khoảng 11.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm/năm; xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khoảng 1.000 vụ/năm.

Với khối lượng công việc lớn, đòi hỏi phải tăng số lượng Thẩm phán TAND Tối cao mới đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Do đó, Dự thảo luật đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao của luật hiện hành theo hướng bổ sung trường hợp người đang là thẩm phán TAND và có từ đủ 5 năm trở lên làm Vụ trưởng Vụ chuyên môn nghiệp vụ tại TAND Tối cao thì được xem xét bổ nhiệm làm thẩm phán TAND Tối cao sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận, nhưng số lượng không quá 10% tổng số thẩm phán TAND Tối cao.

Dự thảo cũng luật đề xuất tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao từ 13 đến 17 người lên thành từ 23 đến 27 người để bảo đảm đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng đối với khối lượng công việc giám đốc thẩm, tái thẩm tăng thêm từ Tòa án nhân dân cấp cao chuyển về để đáp ứng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội

Thẩm tra dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết cơ quan thẩm tra nhất trí với đề nghị tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao như trên để có đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm mới tiếp nhận từ TAND cấp cao, bảo đảm chất lượng và thời hạn xét xử.

Cơ quan thẩm tra tán thành đề nghị bổ sung điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao trong trường hợp đặc biệt.

Dự kiến tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao lên từ 23 đến 27 người- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp.

Quy định này là cần thiết nhằm xây dựng đội ngũ thẩm phán TAND Tối cao giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, công tâm, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cơ quan thẩm tra cũng tán thành việc thành lập các tòa phúc thẩm TAND Tối cao để thực hiện nhiệm vụ mới được giao về xét xử phúc thẩm bản án, quyết định hình sự của TAND cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.

Về đề xuất về việc thành lập tòa kinh tế tại TAND khu vực; tòa sở hữu trí tuệ, tòa phá sản tại một số TAND khu vực ở các tỉnh, thành phố lớn, Cơ quan thẩm tra cho rằng tranh chấp về kinh doanh, thương mại, sở hữu trí tuệ và giải quyết phá sản ngày càng phổ biến và đều là loại việc khó, có tính chất phức tạp, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, thẩm phán phải có kiến thức chuyên sâu.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ tiêu chí, điều kiện thành lập tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ tại một số TAND khu vực; có ý kiến tán thành nhưng băn khoăn về việc đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ cao, chuyên sâu bố trí tại các tòa chuyên trách này.

Xem thêm video được quan tâm:

Quốc Hội Thông Qua Luật Nhà Ở Sửa Đổi, Không Quy Định Thời Hạn Sở Hữu Nhà Chung Cư | SKĐS


Lê Bảo - Dương Tú
Ý kiến của bạn