Chiều 15/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 15, UBTVQH cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 – Quốc hội khóa XV.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề xuất, tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tiếp và bố trí liền mạch từ phiên khai mạc đến phiên bế mạc. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 23,5 ngày (khai mạc ngày 20/10, bế mạc ngày 19/11/2022).
Ông Bùi Văn Cường cho biết, về dự kiến nội dung Kỳ họp, Chính phủ đề nghị bổ sung các nội dung, gồm: Trình Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Trình Quốc hội xem xét giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT...
Bên cạnh đó, ông Bùi Văn Cường đề nghị tăng thời gian thảo luận đối với các dự án luật quan trọng có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đó, đề nghị bố trí thảo luận tại tổ 0,5 ngày và tại hội trường 01 ngày đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Bên cạnh đó Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị tiếp tục bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp phiên thảo luận ở hội trường về một số dự án luật đã được thực hiện tại Kỳ họp thứ 3 như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
UBTVQH xem xét trình Quốc hội quyết định việc truyền hình trực tiếp phiên thảo luận hội trường trên Truyền hình Quốc hội các dự án luật, dự thảo nghị quyết như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi),… (hiện dự kiến chương trình chưa thể hiện nội dung này).
Ông Bùi Văn Cường cũng đề xuất tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tiếp và bố trí liền mạch từ phiên khai mạc đến phiên bế mạc. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 23,5 ngày (khai mạc ngày 20/10, bế mạc ngày 19/11/2022).
Ban Công tác đại biểu đề nghị bổ sung nội dung về công tác nhân sự. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết việc này sẽ phụ thuộc vào chủ trương của Trung ương.
"Nhiệm vụ bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước chắc chắn kỳ họp này chúng ta phải làm. Việc phê chuẩn nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế thuộc nhiệm vụ của Quốc hội, dự kiến chương trình đã có nội dung này", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Vũ điệu 2K phòng chống dịch COVID-19 -Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn.