Dự kiến năm 2017 vẫn giữ nguyên mức đóng bảo hiểm y tế

07-12-2016 14:50 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo Bộ Y tế, từ năm 2017, dự kiến mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động đối với đối tượng người lao động có hợp đồng lao động thời hạn đủ từ 3 tháng trở lên...

Theo Bộ Y tế, từ năm 2017, dự kiến mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động đối với đối tượng người lao động có hợp đồng lao động thời hạn đủ từ 3 tháng trở lên, người quản lý kinh doanh, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, cán bộ công chức, viên chức... Thông tin này được đưa ra tại hội thảo xin ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT do Bộ Y tế tổ chức ngày 5/12.

Đã có 80% dân số tham gia BHYT

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, BHYT và mục tiêu BHYT toàn dân là chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Sau hai năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đã có 80% dân số tham gia BHYT, trên 2.000 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) các tuyến và khoảng 10.000 cơ sở y tế tuyến xã đã KCB cho khoảng 130 triệu lượt người có thẻ BHYT mỗi năm, chất lượng dịch vụ y tế được cải thiện rõ rệt, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Quỹ BHYT đã trở thành nguồn tài chính chủ yếu cho hoạt động của các cơ sở y tế.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng cho biết, trong quá trình thực hiện Luật BHYT, Nghị định 105/2014/NĐ-CP, các Thông tư và các văn bản hướng dẫn thi hành xuất hiện một số hạn chế và bất cập; một số quy định còn chưa đầy đủ, rõ ràng, có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau... Do đó, để sớm đạt được mục tiêu BHYT toàn dân và đáp ứng ngày một tốt hơn về quyền lợi của người tham gia BHYT và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, việc thực thi các quy định của Luật BHYT cần liên tục được đánh giá, nhận diện những vấn đề phát sinh, những hạn chế để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn và những thay đổi trong các chính sách pháp luật khác có liên quan.

Đồng quan điểm với lãnh đạo Bộ Y tế, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, sau hai năm thực hiện, đến nay cả nước đã có 80,8% dân số tham gia BHYT, nên mục tiêu đến năm 2020 đạt 91% dân số tham gia BHYT chắc chắn sẽ hoàn thành.

mức đóng BHYT 2017

Năm 2017, mức đóng BHYT dự kiến vẫn giữ nguyên. Ảnh: TM

Trẻ đủ 72 tháng tuổi chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT được sử dụng đến cuối tháng 9 của năm đó

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết, việc sửa đổi Nghị định 105/2014/NĐ-CP sẽ tạo căn cứ pháp lý cho việc triển khai chính sách BHYT, đảm bảo tính bền vững của phát triển đối tượng, nguyên lý số đông và tính công bằng trong đóng hưởng; Đồng thời giúp tăng cường hơn nữa việc quản lý chặt chẽ quỹ BHYT, tạo cơ chế thuận lợi nhất cho các cơ sở KCB, đưa ra phương thức thanh toán đảm bảo tính khả thi, chủ động hơn cho các cơ sở KCB BHYT.

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 105/2014/NĐ-CP gồm 10 chương, 42 điều, với nhiều điều khoản rất cụ thể và nhiều điểm mới theo hướng mở rộng đối tượng và quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHYT nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT. Dự thảo cũng quy định, người lao động trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hàng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng BHYT trên số tiền lương được truy lĩnh. Người lao động trong thời gian đi lao động tại nước ngoài không phải đóng BHYT; trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhập cảnh về nước nếu tham gia BHYT thì toàn bộ thời gian đi lao động tại nước ngoài và thời gian kể từ khi về nước đến khi tham gia BHYT được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục. Người lao động trong thời gian làm thủ tục chờ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm nếu không tham gia BHYT theo các nhóm khác, thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT.

Trường hợp trẻ em đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30/9 của năm đó mà không phải đóng BHYT.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn