Theo đó, đối với việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp, Bộ dự kiến sẽ giao cho các sở GD-ĐT dưới sự chỉ đạo của UBND các tỉnh/thành phố. Bộ sẽ ban hành quy chế thi và có thể ra đề thi. Bộ dự kiến đề thi theo các dạng bài thi tổng hợp với 5 bài thi. Trong đó, 3 bài thi bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ. Hai bài thi còn lại là tổng hợp các môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, thí sinh có quyền lựa chọn một trong 2 bài thi để làm.
Thí sinh dự thi THPT năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn) |
Về kỳ tuyển sinh ĐH, có 2 phương án. Phương án thứ nhất, Bộ vẫn sẽ tổ chức thi chung để giúp các trường ĐH có nhu cầu (bên cạnh các trường tự tổ chức thi riêng). Với những trường lấy kết quả của kỳ thi chung của Bộ để tuyển sinh thì phải bắt buộc tham gia vào phần mềm xét tuyển chung của Bộ để tránh tình trạng “ảo”.
Phương án thứ hai, nếu các trường ĐH tự tổ chức thi tuyển sinh riêng, Bộ sẽ đưa ra những quy định yêu cầu các trường phải đảm bảo không tái diễn tình trạng luyện thi vào ĐH như trước khi thi “3 chung”; không tổ chức thi tập trung ở thành phố, khiến thí sinh ở tất cả các tỉnh lại phải đổ dồn về trọ thi như trước kia.
Những thông tin ban đầu về phương hướng tuyển sinh mới đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi
Thi theo 5 bài: Đáng hoan nghênh
Đây là ý kiến của ông Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam.
Đồng tình với việc trao quyền tổ chức thi và xét tốt nghiệp về cho địa phương, ông Nhĩ cũng cho rằng việc Bộ dự kiến thi tốt nghiệp theo 5 bài thi là đáng hoan nghênh.
“Về nguyên tắc học gì thi nấy mới xét toàn diện được. Như trước đây thi 3 môn rồi thêm 1 môn tự chọn các em học phiến diện.
Bây giờ thi 3 môn và có bài thi tổng hợp, học sinh sẽ có ý thức học tất cả các môn chứ không chỉ chọn môn đi thi đại học như trước.
Bài thi tổng hợp là cách tuyên bố của Bộ học gì thi nấy, chứ không phải là thi gì học nấy như lâu nay. Bên cạnh đó, Bộ cần nghiên cứu đánh giá học sinh không chỉ ở năm cuối, mà cả trong quá trình học THPT” – ông Nhĩ đề xuất.
Thí sinh dự thi THPT năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn) |
Theo ông Nhĩ, học sinh thấy phương án thi mới sẽ chăm chú học, giáo viên dạy các môn sẽ phấn khởi, vì học sinh sẽ phải tiếp thu hết các môn chứ không trong tình trạng môn nghe môn bỏ như bây giờ. “Đây sẽ là bước đầu thực sự đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục”.
Nhưng ông Nhĩ khẳng định Bộ phải đảm nhiệm việc ra đề cho kỳ thi tốt nghiệp THPT chứ không phải là “có thể”.
“Trong tình hình hiện nay, Bộ GD-ĐT là nơi ra đề thi là đúng đắn để đảm bảo mặt bằng thống nhất cho cả nước".
Ông Nhĩ cũng cho rằng, việc tuyển sinh Bộ nên trả hoàn toàn cho các trường chủ động lên phương án. Bộ cũng không cần thiết phải tổ chức “tổ chức thi chung để giúp các trường ĐH có nhu cầu” nữa.
“Ngoài các trường đã tổ chức thi riêng, nếu còn các trường đại học muốn có một kết quả dùng chung để tuyển sinh thì hãy lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp nói trên".
"Bộ GD-ĐT hãy làm vai trò sắp xếp đánh giá các trường, quy định những mức điểm tối thiểu để vào các nhóm trường khác nhau. Bộ cũng hãy làm công việc rà soát thị trường lao động, giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường một cách cụ thể dựa trên nhu cầu của thị trường lao động, chứ không để các trường tự quyết định chỉ tiêu của các ngành đào tạo như hiện nay” - PGS Trần Xuân Nhĩ. |
Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, Bộ nên để các trường chủ động trong tuyển sinh và hỗ trợ các dịch vụ cần thiết như việc ra đề thi.
Theo ông Triệu, việc Bộ hình thành một bộ đề thi chung để các trường có thể mua và sử dụng trong tuyển sinh sẽ tránh được những bất cập khi các trường tự ra đề tuyển sinh cho trường mình.
"Một số trường chuyên ngành sẽ khó có khả năng ra đề thì toàn diện. Bên cạnh đó, nếu để các trường tự ra đề thi sẽ khó tránh được tình trạng trường ra đề khó, trường lại ra đề dễ" - ông Triệu giải thích.
Ông Triệu cũng cho rằng, nếu Bộ có một bộ đề chung cho các trường sử dụng cũng sẽ tránh được hiện tượng các lò luyện thi sẽ lại xuất hiện xung quanh các trường như thời kỳ trước "3 chung". Để tránh việc các thi sinh dồn về các thành phố lớn để trọ thi, Bộ GD-ĐT cũng có thể mở quy định về tuyển sinh, cho phép trường tuyển sinh làm nhiều đợt.
"Trong vài năm trở lại đây, việc chọn trường, chọn nghề của thí sinh đã trở nên mở hơn. Nhiều thí sinh có thể học một năm, thậm chí nửa năm thấy không phù hợp lại chuyển trường khác. Do vậy, phương thức tuyển sinh cũng phải linh hoạt hơn" - ông Triệu nói.
Ủng hộ thi chung lấy kết quả xét tuyển đại học
GS Lâm Quang Thiệp nhận xét dự kiến của Bộ GD-ĐT về kỳ thi tốt nghiệp THPT như vậy là tiến bộ, 5 bài thi như vậy là hợp lý.
“Về tuyển sinh đại học, theo tôi, không nên khuyến khích các trường tự tổ chức thi. Bỏi vì một kỳ thi để tổ chức cho đảm bảo chất lượng là rất khó và vô cùng tốn kém. Ở Việt Nam chưa có những tập đoàn tổ chức thi chuyên nghiệp, nên Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức là hợp lý” – ông bày tỏ quan điểm của mình.
Nhưng theo GS Thiệp, kỳ thi tuyển sinh này cũng không nên đưa ra quá nhiều môn, mà cũng chỉ nên giới hạn ở 5 môn như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các trường dựa vào kết quả kỳ thi này để tuyển sinh.
Thí sinh dự thi THPT năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn) |
Tuy nhiên, GS Thiệp cho rằng thi và tuyển là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Các trường đại học có quyền tự chủ tuyển sinh, không có nghĩa là từng trường được tổ chức tổ chức thi, vì tổ chức một kỳ thi đảm bảo chất lượng là rất khó, và có thể nói ở nước ta rất ít trường có khả năng làm việc đó. “Bộ tổ chức thi chung để các trường sử dụng kết quả tự xét tuyển, Bộ không nên đưa ra quy định về điểm sàn”.
Quay trở lại kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo GS Thiệp, đã để cho tỉnh chủ động thì hãy để tỉnh tự ra đề thi, Bộ chỉ nên đưa ra tiêu chuẩn. Nếu tỉnh nào chưa đủ năng lực, Bộ có thể ra đề thi tốt nghiệp hỗ trợ cho tỉnh đó. Văn bằng tốt nghiệp THPT nên để Sở cấp chứ không phải Bộ.
“Không nên quá lo lắng về việc địa phương tự ra đề, việc cấp bằng không cần đảm bảo mặt bằng chất lượng chung. Địa phương muốn văn bằng mình cấp được tôn trọng thì hãy tổ chức thi cho tốt. Còn uy tín của văn bằng các địa phương không giống nhau thì cũng là chuyện bình thường, nhưng ở mức độ bằng tốt nghiệp THPT thì chừng mực như vậy là được.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT không nên xem là kỳ thi quốc gia, để các tỉnh tự tổ chức. thi tuyển sinh đại học mới là kỳ thi quốc gia”.
Ông Thiệp cũng cho biết trước đây Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập và ĐHQG TP.HCM đã đề xuất bài thi tổng hợp. Nhưng khi đó có ý kiến rằng học sinh học từng môn mà bây giờ thi tích hợp vào một bài thi thì không thuận lợi cho các em.
"Việc xét tuyển theo nhóm trường nhờ một thuật toán lựa chọn (mà một công trình ứng dụng nó đã được giải thưởng Nobel) do GS Hà Huy Khoái đưa vào nước ta là rất tốt. Cách xét tuyển này vừa đảm bảo thỏa mãn tối đa nghuyện vọng của thí sinh, vừa phù hợp mọi yêu cầu xét tuyển của nhà trường" - GS Lâm Quang Thiệp |
“Tuy nhiên, họ đã nhầm giữa đề thi tổng hợp và đề thi tích hợp. Đề tổng hợp là, ví dụ như, đề thi có các môn lý – hóa - sinh thì mỗi môn có 30 câu hỏi, cả đề thi có 90 câu, chứ không phải một câu hỏi về đủ cả các môn lý – hóa – sinh” – ông phân tích.
Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cũng khẳng định ủng hộ kỳ thi đại học chung do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Ông Hinh phân tích, những khó khăn và bất cập của các trường trong việc lọc ảo năm nay chủ yếu là do phương án gọi của các trường chứ không phải do kỳ thi.
"Chúng tôi sẽ thống nhất các trường y trong cả nước để đưa ra ý kiến chung là tiếp tục tổ chức kỳ thi chung giống như 2 năm vừa qua. Bởi vì bộ đề thi của Bộ trong 2 năm qua chúng tôi thấy rất tốt. Những khó khăn, bất cập trong phương thức tuyển sinh trong 2 năm vừa qua có thể khắc phục bằng nhiều cách" - ông Hinh nhận định.
Ông Hinh cũng cho rằng, nếu các trường muốn tuyển sinh riêng thì theo ông vẫn phải mua và sử dụng bộ đề thi của Bộ.
"Kinh nghiệm những năm trước đây cho thấy, khi các trường tự ra đề thì tình trạng chất lượng trở nên hỗn loạn. Vì vậy, kể cả khi các trường tuyển sinh riêng thì theo tôi vẫn nên sử dụng bộ đề thi chung của Bộ GD-ĐT" - ông Hinh khẳng định.