Hai ngày sau trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra ở Nepal, hàng loạt du khách Việt Nam vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại. Chia sẻ với VnExpress, chị Kim Chi cho biết hôm đó “là một ngày dài khủng khiếp” và tinh thần “vẫn đang rất sốc”.
Chị Chi cùng một nhóm ba người sang Nepal du lịch từ 22/4. Hôm 25/4, cả nhóm đi từ thủ đô Kathmandu về thành phố Pokhara để chơi trò chèo thuyền mạo hiểm.
Khoảng 11h, ngay khi họ vừa dừng lại để mặc áo phao và chuẩn bị cho chuyến hành trình vượt sông thì động đất xảy ra. Địa điểm cả nhóm đang ở cách Kathmandu 80 km và rất gần với tâm chấn.
"Chúng tôi nhìn nhau và cảm giác trong phút chốc mọi người đều im lặng, đứng chết trân, bàng hoàng chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì nghe thấy rất nhiều tiếng la hét", chị Chi kể. "Tất cả mọi người đều đang đứng rất gần bờ sông và bắt đầu chạy tán loạn. Tim tôi đập thình thịch, chỉ kịp nghe tiếng chồng gọi cả nhóm chạy lên phía trên dốc cao hơn rồi dừng lại ở một bãi đất trống".
Mặt đất dưới chân họ rung chuyển mạnh. Ở ngọn đồi trước mặt, có hai ngôi nhà đổ sập xuống ngay cơn chấn động đầu tiên, khói bụi bốc lên mù mịt. Theo chị Chi, có hai cơn rung chấn nữa diễn ra cách nhau vài phút.
Cả nhóm du khách Việt sau đó lái xe về Pokhara trong tình trạng "căng như dây đàn". Chặng đường hơn 100 km có nhiều đoạn đầy đất đá lở rất nguy hiểm. Tình trạng kẹt xe kéo dài. Dọc đường, họ nhìn thấy người dân nằm, ngồi la liệt.
"Chúng tôi đã có một ngày dài khủng khiếp, căng thẳng trên từng km đường chạy từ Kathmandu tới Pokhara", chị nói.
Tuy nhiên, chị Chi nhận thấy một điều rất đáng quý là dù đang trong tình cảnh hỗn loạn, người dân Nepal vẫn giữ được ý thức văn minh. Các ôtô xếp hàng một nối đuôi nhau, bình tĩnh chờ, không chen lấn, cướp đường.
Chị Chi có quen biết 3 nhóm du khách Việt khác cũng trong hành trình Kathmandu - Pokhara. Nhóm của chị đã vượt qua chặng đường nguy hiểm và đến Pokhara lúc nửa đêm. Thông tin và hình ảnh được chị cập nhật trên Facebook khiến người thân ở nhà thở phào nhẹ nhõm.
Chị cho hay Kathmandu hiện không có điện và mạng viễn thông sập gần hết, chỉ còn mạng Ncell có thể liên lạc được. Sân bay thành phố đang ưu tiên các chuyến bay cứu hộ nên khả năng các du khách trở về nước ngay là rất khó.
"Đọc tin và theo dõi hình ảnh về Kathmandu bị tàn phá kinh hoàng, đền thờ, cung điện, phố cổ nơi chúng tôi vừa đứng đó chiều qua tận hưởng sự thanh bình trầm mặc nghìn năm tuổi mà xót từ trong ruột", chị nói. "Có quá nhiều xác người được kéo ra từ đống đổ nát. Mọi thứ chỉ một màu đau đớn, tan hoang. Có lẽ những bức ảnh chúng tôi chụp được là một trong những khoảnh khắc bình yên cuối cùng còn sót lại của Patan".
“Sống được trên đời ngày nào hãy sống cho trọn tâm trọn sức. Chỉ một tích tắc thôi, mọi thứ có thể vỡ nát. Còn gì để mà tiếc, mà thương”, Kim Chi đúc kết sau những giờ phút căng thẳng thoát khỏi vùng thảm họa.
Cũng ở cách tâm chấn 80 km, Hải Yến - một nữ sinh của Đại học FPT lại thoát chết trong gang tấc nhờ quyết định khởi hành sớm chỉ vài tiếng. Theo lịch, lẽ ra cô sẽ ở Kathmandu suốt cả chiều nhưng cuối cùng lại quyết định đến Pokhara sớm hơn để leo núi.
Trên đường đi, tài xế đề xuất cả nhóm rẽ vào ngôi đền và cầu may. Khoảng 10 phút sau khi đoàn rời ngôi đền, mặt đất bắt đầu rung lắc.
Cả nhóm lên xe tiếp tục hành trình tới Pokhara nhưng mới đi được một đoạn, cảnh sụt lở đất diễn ra dữ dội. Ra khỏi xe, nữ sinh này thấy mặt đất rung chuyển, ngọn đồi phía trước ám đầy bụi đỏ, không ít tảng đá to lăn xuống chắn ngang đường.
“Nghe người dân bảo chỉ vài phút trước, mặt đất ở khu vực này rung lắc rất mạnh. Nếu không ghé vào đền, có lẽ chúng tôi đã trở thành nạn nhân”, Yến bày tỏ.
Trước đó, ngày 25/4, một trận động đất mạnh 7,8 độ Richter đã xảy ra tại Nepal. Hãng CNN dẫn lời nhà chức trách Nepal cho biết, hơn 3.200 người đã thiệt mạng, khoảng 6.500 người bị thương. Trong đó, ít nhất 1.100 người thiệt mạng tại thủ đô Kathmandu - nơi có khoảng một triệu dân sinh sống.