Hà Nội

Du học tự túc và lời hứa có cánh!?

07-12-2014 21:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Hiện nay, du học trở thành một xu hướng lựa chọn phổ biến không chỉ cho các gia đình khá giả, có điều kiện. Một số gia đình điều kiện chưa dư dả lắm cũng cố gắng vay mượn cho con ra nước ngoài du học.

Hiện nay, du học trở thành một xu hướng lựa chọn phổ biến không chỉ cho các gia đình khá giả, có điều kiện. Một số gia đình điều kiện chưa dư dả lắm cũng cố gắng vay mượn cho con ra nước ngoài du học. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, bên cạnh những trung tâm tư vấn uy tín thì những trung tâm ảo mọc lên như nấm khiến nhiều gia đình có nhu cầu cho con em đi du học gặp không ít khó khăn.

Thời gian gần đây, dư luận lại xôn xao về việc hàng trăm học viên đã nộp tiền cho Viện Đào tạo ngôn ngữ và nhân lực Việt - Nhật (viết tắt VJI, thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Trí Việt) để được tư vấn và lo thủ tục sang Nhật Bản học tập, làm việc. Thế nhưng, hết thời hạn cam kết, những học viên này vẫn chưa hề được xuất ngoại, thậm chí mất trắng số tiền đã nộp. Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng của các trung tâm môi giới du học đang ồ ạt mọc lên. Các trung tâm này thường đưa ra những lời hứa hẹn có cánh về chất lượng ngôi trường mà học viên sẽ theo học, cùng công việc làm thêm hấp dẫn với mức lương cao để đánh vào tâm lý của gia đình và người có nhu cầu đi du học.

Theo không ít sinh viên có nhu cầu du học thì, qua tìm hiểu trên internet có rất nhiều trung tâm tư vấn du học với những lời hứa hẹn và quảng cáo rất hoành tráng, nhưng thực tế, không ít người khi sang bên kia mới vỡ ra là cuộc sống, môi trường học không giống như trong quảng cáo. Thực tế, nắm bắt được tâm lý lo lắng của sinh viên về chi phí trang trải cuộc sống ở nước ngoài, các trung tâm thường đưa ra những lời hứa hẹn, chào mời vô cùng hấp dẫn như giới thiệu việc làm thêm có thể kiếm được 1.500 - 2.000 USD một tháng. Tuy nhiên, khi sinh viên sang bên kia có thể visa của họ không được đi làm và mức lương không giống như những gì được tư vấn ở Việt Nam đã khiến không ít sinh viên rơi vào tâm lý chán nản, thất vọng. Không có chuyện làm thêm nhiều giờ, lương cao, trong khi chi phí sinh hoạt đắt đỏ, nhiều người buộc phải về nước vì không đủ sức tiếp tục theo học.

Điều đáng nói là các trung tâm tư vấn ảo này mọc lên nhanh chóng thì cũng dễ dàng tuyên bố phá sản khi có bất cứ tranh chấp hay trách nhiệm với những trường hợp du học sinh mà họ đã gửi đi. Rồi sau đó lại thuê địa điểm khác, đổi tên khác rồi  lại lên mạng quảng cáo chiêu mộ sinh viên. Theo các chuyên gia về luật, các trung tâm không được cấp phép mà vẫn có hành vi tư vấn du học và thu tiền là có hành vi lừa đảo, còn những trung tâm được cấp phép nhưng tư vấn không đúng chương trình, mục đích được cấp phép thì có thể bị xử phạt hành chính với mức xử phạt có thể lên tới 15 triệu đồng.

Không phải không có những công ty tư vấn du học làm ăn nghiêm túc, tư vấn chính xác cho học sinh. Tiếc thay, những công ty như thế không phải là đa số, trong khi chúng ta chưa có bảng xếp hạng cũng như quy định cụ thể cho các trung tâm tư vấn du học. Điều đó không chỉ khiến nhiều người có nhu cầu đi du học như lạc vào “mê hồn trận” mà còn tạo cho loại dịch vụ này nhiều kẽ hở để cho không ít các đối tượng lừa đảo.

Phạm Đông

 

 


Ý kiến của bạn