PV: Thưa ông, dịch COVID – 19 diễn biến phức tạp tại Châu Âu, Mỹ, nhiều gia đình có người thân tại vùng dịch đang rất lo lắng cho sức khỏe người thân của họ và muốn về nước ngay thời điểm này. Tuy nhiên, việc di chuyển trên các chuyến bay từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ về Việt Nam có nguy cơ gì về sức khỏe không?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Tôi khẳng định, trong suốt hành trình di chuyển từ nơi ở đến các sân bay đầu mối (hub), trong quá trình bay trên máy bay và quá cảnh tại các sân bay, công dân sẽ gặp nhiều rủi ro.
Thứ nhất, hiện nay, tình hình dịch COVID - 19 các nước châu Âu rất phức tạp, nên việc di chuyển từ nơi ở, nơi cư trú đến các sân bay trung chuyển đều không an toàn. Đặc biệt không an toàn hơn nữa khi di chuyển bằng taxi, xe buýt, các phương tiện công cộng thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. Theo tôi được biết ở các nước Châu Âu, không cứ việc ra quy định phòng bệnh ở những nơi công cộng là người dân chấp hành tốt.
PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục YTDP, Bộ Y tế; Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.
Thứ hai, rõ ràng COVID - 19 đang có diễn biến phức tạp, chúng ta không thể chắc chắn sự an toàn tại các sân bay, đặc biệt là nơi quá cảnh ở nước thứ 3, nên người di chuyển có thể bị nhiễm virus SARS-COV-2.
Đơn cử, một Việt kiều Mỹ về TP Hồ Chí Minh đã mắc COVID-19 khi quá cảnh ở sân bay Vũ Hán (Trung Quốc) chưa đầy 2 giờ đồng hồ vào ngày 15/1; hoặc bệnh nhân số 34 (BN34) ở Bình Thuận mắc COVID-19 khi quá cảnh từ sân bay Doha (Qatar) về Việt Nam ngày 2/3.
Thứ ba, các chuyến bay từ Châu Âu, Mỹ về Việt Nam kéo dài từ 15 – 24 giờ đồng hồ trong một không gian khép kín, nếu vô tình có một ca bệnh COVID - 19 thì nguy cơ lây nhiễm là rất lớn. Người di chuyển có thể bị lây lan từ người dương tính trên máy bay. Điển hình là chuyến bay mang số hiệu VN0054 xuất phát từ London và hạ cánh tại Hà Nội vào ngày 2/3 có đến 14 hành khách đã bị nhiễm SARS-COV-2, cũng chuyến bay số hiệu đó ngày 9/3 đã có hai người mắc bệnh là một nữ tiếp viên ở Hà Nội và một nữ du học sinh ở Hạ Long.
Vì vậy, tất cả công dân về nước đều phải tuân thủ khai báo y tế trước chuyến bay, khi nhập cảnh. Họ cần khai báo trung thực về tình trạng sức khỏe của mình, những nơi mình đã đi qua, bao gồm cả những sân bay quá cảnh, trong vòng 14 ngày trước chuyến bay. Tuyệt đối không được giấu thông tin về sức khỏe, không được phép như trường hợp hành khách lên chuyến bay cất cánh được 2 giờ, gia đình mới điện thoại báo cho hãng hàng không.
PV: Người về từ vùng dịch sẽ bắt buộc phải thực hiện cách ly tập trung theo đúng quy định của Bộ Y tế, thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Đúng vậy!. Chúng ta không thể xác định được công dân nhập cảnh vào Việt Nam chưa hoặc đã nhiễm SARS-COV-2, hay là đang trong thời gian ủ bệnh. Vì vậy, để đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng trước dịch COVID-19, tất cả các hành khách, công dân đi từ/qua vùng dịch về Việt Nam đều được áp dụng biện pháp cách ly tập trung để theo dõi sức khỏe.
Việc cách ly này đảm bảo dịch bệnh không lây lan trong cộng đồng nếu 1 công dân nhiễm COVID - 19. Như thời gian qua, Việt Nam đã tổ chức cách ly rất nhiều công dân về Việt Nam hoặc có liên quan đến công dân về Việt Nam, để theo dõi sức khỏe và kịp thời điều trị nếu phát hiện ra ca dương tính. .
Với những người có kết quả dương tính với virus SARS-COV-2 thì sẽ được điều trị cách ly tại bệnh viện.
Tuy nhiên, người được cách ly tập trung và cả bệnh nhân được điều trị cách ly đều vẫn phải có những bước theo dõi sức khỏe sau khi kết thúc thời gian cách ly.
PV: Thưa ông, nếu công dân đang sinh sống và học tập tại vùng có dịch vẫn tiếp tục muốn về nước sẽ dẫn đến áp lực như thế nào đến ngành y tế và chính quyền địa phương?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Thứ nhất, bản thân người bị nhiễm mà không phòng bệnh tốt có thể lây lan ra cả gia đình và cộng đồng. Chúng ta có thể thấy rõ, vừa qua, hành khách ngồi khoang thương gia trên chuyến bay VN0054 nhập cảnh ngày 2/3 đã lây nhiễm cho cả người nhà, giúp việc, lái xe và thậm chí là lây nhiễm cho những cộng đồng dân cư. Sau đó là cả một khu phố Trúc Bạch (Hà Nội) phong tỏa, cả tòa chung cư ở TP Hồ Chí Minh cũng phải thực hiện cách ly…
Thứ hai, người mới nhiễm SARS-COV-2 không thể phát hiện ra bệnh ngay nên trong quá trình sinh hoạt, người mới nhiễm sẽ tiếp xúc với nhiều người. Nếu không tìm sớm và kiểm soát sớm những người tiếp xúc thì nguy cơ lây lan ra cộng đồng là rất lớn.
Thứ ba, một hành khách trên một chuyến bay được phát hiện nhiễm SARS-COV-2 thì rõ ràng, tất cả những hành khách, thành viên tổ bay đi cùng một hành trình buộc phải chấp hành việc cách ly.
Khi lượng lớn công dân ồ ạt trở về Việt Nam sẽ khiến số lượng người trong các khu cách ly đông lên, dẫn đến khó khăn về bố trí chỗ ở tại nơi cách ly. Việc kiểm soát kiểm soát khu cách ly, phục vụ cho những người cách ly cũng sẽ phức tạp hơn và tốn kém hơn. Đặc biệt và quan trọng hơn nữa là công tác quản lý chống lây nhiễm trong cơ sở cách ly cũng sẽ chịu áp lực lớn hơn và khó khăn hơn. .
Tựu chung lại, khi người nhiễm lây lan cho cả cộng đồng, đồng nghĩa với khó khăn trong việc tìm người tiếp xúc, công tác phát hiện, cách ly, phong tỏa… cũng vì thế mà khó khăn hơn. Trong khi đó, phát hiện người mắc COVID-19 chậm phút nào thì nguy cơ lây nhiễm càng nhân lên.
Vì vậy, việc công dân Việt Nam là lao động, du học sinh trở về nước trong thời điểm này có thể tạo thêm khó khăn không chỉ cho ngành Y tế, cho các cấp chính quyền, mà cả cho đất nước và nhân dân. Gánh nặng sẽ nhân lên gấp bội phần nếu người mới nhiễm đó không khai báo trung thực.
Hơn nữa, nếu một ai đó mắc bệnh và phải điều trị vì mắc COVID- 19 trong quá trình di chuyển về nước thì không chỉ gây tốn kém cho gia đình, nhà nước, mà còn có thể lỡ dở cả kế hoạch học tập, công việc nếu nước mà họ đang học tập, lao động áp dụng những biện pháp cứng rắn đối với những người nhập cảnh trở lại.
Trân trọng cảm ơn ông!