Tôi đã lựa chọn đúng
Từ đầu tháng 3 đến nay, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại châu Âu, du học sinh Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn, một mặt lo ngại về tình hình bệnh dịch, mặt khác là tiến độ học tập và cuộc sống thường nhật bị xáo trộn. Huyền Trang, cô sinh viên theo học sau đại học tại thành phố La Rochelle ở phía Tây nước Pháp cũng như bao bạn bè khác, ngày ngày nghe ngóng tin tức về tình hình dịch của nước Pháp mà đứng ngồi không yên. Số ca bệnh từ hàng trăm tăng lên hàng nghìn rồi vài nghìn, chục nghìn rất nhanh. Các du học sinh Việt ở đây không đông, nên bố mẹ nào cũng lo lắng nhỡ con mắc dịch thì sẽ thế nào? Những cuộc điện thoại, tin nhắn của bố mẹ tới tấp gửi sang từ lúc chưa ngủ dậy. Bạn bè rục rịch book vé máy bay để về, nhưng Huyền Trang vẫn quyết bám trụ lại nơi đây đầy bình thản, dù nước Pháp cũng là một tâm dịch của châu Âu.
Huyền Trang thích ứng với việc học và thi online đầy hứng khởi
Những dòng nhật ký của Huyền Trang trong những ngày là số ít người Việt ở lại nước Pháp trong mùa dịch: “Khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu sang giai đoạn mới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ra lệnh đóng cửa vô thời hạn tất cả các nhà trẻ, tiểu học, THCS, THPT và đại học. Lệnh được bắt đầu vào ngày 16/3/2020, đồng thời nhấn mạnh sẽ tập trung vào học và thi online. Sau đó 2 ngày, khi con số người nhiễm bệnh ngày càng tăng, đã lên đến hơn chục nghìn, Chính phủ Pháp đã dùng biện pháp mạnh nhất từ trước tới giờ, đó là lệnh phong toả toàn bộ đất nước Pháp, được áp dụng ít nhất 15 ngày. Người dân Pháp mỗi khi ra ngoài là phải điền vào 1 tờ giấy ghi là Attestation de déplacement dérogatoire và sẽ phải đưa ra giấy này khi gặp cảnh sát, nếu không có sẽ bị nộp phạt ít nhất 135 euro, và nếu tái phạm có thể sẽ bị đi tù. Giấy chứng nhận ra ngoài còn có phiên bản 2 mới được ra mắt, chi tiết hơn và bắt buộc điền cả ngày giờ, chỉ được phép ra ngoài 1 tiếng trong phạm vi 1km.
Mọi địa điểm của nước Pháp vắng vẻ khi áp dụng lệnh phong tỏa
Kệ hàng trong siêu thị trống trơn
Như vậy, đã được 12 ngày tôi bị “giam lỏng” trong nhà, đến 28/3, đã có gần 33.000 người ở Pháp bị nhiễm COVID - 19, mỗi ngày tăng vài nghìn ca nhiễm. Chính phủ Pháp kéo dài thêm lệnh phong toả, ít nhất 6 tuần ở nhà. Phần lớn các du học sinh Việt Nam tại Pháp chọn cách về nước, nhưng bắt buộc phải cách ly 14 ngày. Tôi nghĩ như vậy thêm 1 công dân về nước là thêm gánh nặng cho công tác phòng dịch ở Việt Nam. Chưa kể việc di chuyển trong mùa dịch để từ vùng tôi ở về được Việt Nam là rất vất vả và khả năng lây nhiễm trong quá trình di chuyển rất cao. Tôi chọn ở lại Pháp và áp dụng lệnh phong toả của Chính phủ Pháp. Các buổi học online vẫn diễn ra hàng ngày, vẫn làm nhóm và có bài tập về nhà, thi cuối kì vẫn đúng ngày, nhưng làm trên máy tính. Vì vậy nếu về Việt Nam sẽ bị chênh lệch múi giờ, ảnh hưởng việc học tập. Tôi cũng như bao người dân Pháp, phải viết giấy chứng nhận đi siêu thị mua đồ ăn tích trữ. Mặc dù phong toả nhưng siêu thị lúc nào cũng đông nghịt và hết đồ, xếp hàng phải cách nhau ít nhất 1m, đeo khẩu trang và găng tay. Mặc dù tôi ở La Rochelle là phía Tây có ít ca nhiễm hơn trên Paris hay vùng phía Bắc và phía Đông nước Pháp, nhưng người dân ở đây vẫn chấp hành lệnh phong toả rất tốt. Cứ 20h hàng ngày họ ra ngoài cửa sổ vỗ tay tán dương những bác sĩ đang hàng ngày chữa bệnh cho những người bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Tôi hy vọng đất nước Việt Nam, Pháp và cả thế giới sẽ nhanh vượt qua đại dịch này.”
Tự may khẩu trang
Cũng như Huyền Trang, Đào Đức Trung đang học ngành công nghệ thông tin tại Berlin, Đức cũng phải trải qua những ngày căng thẳng đến nghẹt thở để lựa chọn giữa về nước hay ở lại Berlin trong mùa dịch. Nhưng cậu cũng như rất nhiều du học sinh Việt quyết định ở lại và cùng trải qua những ngày thực hiện lệnh phong tỏa để chống dịch.
Đào Đức Trung và bạn bè nhanh thích nghi với các quy định về phòng dịch của nước Đức
Tâm sự của Đức Trung về quãng thời gian này: “Nước Đức và Berlin đang là mùa xuân. Đây đáng lẽ sẽ là mùa đẹp nhất trong năm, vì đã có nhiều ánh nắng, cây cối đâm chồi nảy lộc. Nhưng dịch bệnh đã biến mọi thứ tươi đẹp ấy biến mất. Thành phố Berlin hiện đã có hơn 2000 ca bệnh COVID-19 , trong đó có 8 ca tử vong. Rộng hơn là cả nước Đức đã có hơn 50.000 người mắc bệnh. Tâm dịch của nước Đức là ở tiểu bang Nordrhein Westfalen, trong đó huyện Heinsberg nằm sát biên giới với Hà Lan, có số người nhiễm nhiều nhất. Tiếp đó là các bang Bayern, Baden Wuerttemberg cũng tập trung nhiều ca bệnh. Lệnh phong toả nghiêm ngặt đã được áp dụng trên cả nước từ giữa tháng 3. Những ai ra đường chỉ được phép đi cùng 1 người khác và phải mang theo giấy tờ tùy thân để kiểm tra. Nếu đi tụ tập thành 3 người trở lên mà cảnh sát kiểm tra không phải là ruột thịt, sẽ bị phạt rất nặng, lên tới hàng trăm euro. Những sự kiện, cửa hiệu, khách sạn, quan bar đều phải đóng cửa. Chỉ có siêu thị và nhà hàng ăn uống được mở cửa. Nhưng nhà hàng không được cho khách vào ngồi ăn uống, mà chỉ bán hàng cho khách mang về. Trong siêu thị, người đi mua sắm phải lập khoảng cách tối thiểu 1,5m giữa 2 người. Ai vi phạm sẽ bị phạt nặng. Trên đường phố không còn nhiều người qua lại. Phương tiện công cộng cũng ko còn được nhiều người sử dụng.
Tất cả cửa hiệu ở Berlin đều phải đóng cửa.
Nước Đức có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ 5 thế giới. Đây là hậu quả của việc người dân cũng như Chính phủ Đức trước đây còn xem nhẹ dịch bệnh. Họ vẫn tổ chức nhiều sự kiện thể thao, văn hóa với số lượng người tham gia rất đông, vẫn tụ tập đông người tại nhà hàng, quán bar. Dù khi đó, số ca nhiễm bệnh ở nước Đức đã tăng nhanh chóng qua từng ngày. Hơn nữa người dân Đức không đeo khẩu trang. Khẩu trang ở Đức rất khan hiếm. Ngay cả khi nước Đức có chùm ca bệnh đầu tiên, bác sĩ khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang không có tác dụng phòng bệnh, mà chỉ dành cho người bệnh để không phát tán virus. Ai đeo khẩu trang ra đường phố còn bị xa lánh vì họ nghĩ đó là người bệnh. Có lẽ chính vì vậy mà dịch bệnh lan rất nhanh tại Đức. Giờ thì ai cũng phải tự trang bị khẩu trang. Mình tự ngồi khâu mấy cái khẩu trang để dùng dần.
Từ sau lệnh phong toả, mình cũng không đi lại nhiều, hạn chế sử dụng tàu xe. Phần lớn thời gian xuống đường là để mua đồ trong siêu thị. Trước mình có đi làm thêm nhưng giờ cũng phải tạm nghỉ. Không thể nói là mình cảm thấy vui vẻ, nhưng trên hết mình phải làm vậy để hạn chế nhiễm và lây bệnh ra xung quanh. Kể cả ở Việt Nam hay nước nào cũng vậy, mỗi người ý thức một chút, thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch của Chính phủ thì sẽ đẩy lùi được dịch bệnh. Mình thấy ổn khi ở lại Đức, bình tĩnh đối phó với dịch bệnh. Mình hi vọng trong tương lai gần đất nước này sẽ khống chế được dịch bệnh, cuộc sống sinh hoạt sẽ trở lại bình thường.