Cây đu đủ trồng hiện nay là giống lai tự nhiên, có tên khoa học: Carica papaya L., họ Đu đủ (Papayaceae). Đu đủ trở thành giống cây ăn quả quan trọng ở Việt Nam cũng như nhiều nước nhiệt đới khác. Nó còn có tên khác: thù đủ, phiên mộc qua, thạch qua, đông qua thụ, vạn thọ quả, phiên quả, mộc quả, mộc đông quả, nhũ quả. Bộ phận dùng làm thuốc là quả, lá, rễ và nhựa.
Quả đu đủ chín chứa nước, glucid, protein, cellulose, calci, P; các vitamin A, C, B. Quả xanh có nhựa mủ (trong có papain, carpain, myrosin); saccharose, acid hữu cơ (acid tartic, acid malic); cácvitamin và carotenoid.
Theo nghiên cứu, 100g quả đu đủ chín có 74-80mg vitamin C, 500-1250IU carotene. Quả đu đủ màu vàng nhạt có nhiều beta carotene, cryptoxanthin, violaxanthin, cryptoxanthin monoepoxide. Quả đu đủ màu hồng có nhiều lycopene. Đu đủ còn có vitamin B1, B2 và các khoáng chất (kali, magiê, sắt, kẽm...). Chất papain chịu được nhiệt độ 700C trong 30 phút, có tác dụng tiêu hóa thịt và protein, chất này có nhiều trong lá, thân, quả xanh và có ít trong quả chín. Chất carpain còn có tác dụng làm chậm nhịp tim. Cao lá đu đủ có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus, kháng u bướu. Quả đu đủ có nhiều thành phần hữu ích trong việc phòng chống các bệnh tim mạch và ung thư, ngăn ngừa các chất có hại cho làn da, giữ cho da khỏe đẹp và tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Theo Đông y, quả đu đủ chín vị ngọt tính mát, lành tính, không có độc tố. Ăn vào mùa nào cũng tốt cho sức khỏe: ăn mùa xuân hè có tác dụng thanh tâm nhuận phế, giải nhiệt, giải độc; ăn vào mùa thu đông có tác dụng nhuận táo, ôn bổ tỳ vị, dưỡng can, nhuận phế, chỉ khái, hóa đàm. Ăn đu đủ thường xuyên có tác dụng bổ máu, giúp phục hồi chức năng gan. Trong đu đủ có nhiều vitamin C và carotene, có tác dụng chống ôxy hóa và tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Bộ phận dùng làm thuốc là quả, lá, rễ và nhựa đu đủ.
Các bài thuốc có quả đu đủ
Nhựa mủ đu đủ làm thuốc trong y học hiện đại (chiết papain, carpain...)
Tẩy giun kim cho trẻ nhỏ: cho trẻ ăn đu đủ chín (50-100g) mỗi ngày, trong 7-10 ngày (sau bữa cơm chiều).
Quả đu đủ xanh hay lá để làm mềm những cục thịt cứng, nhuận tràng, lợi tiêu hóa. Quả non hầm với chân giò lợn để lợi sữa.
Chữa ho, viêm phổi, mất tiếng: hoa đu đủ hấp với đường phèn.
Chữa bong gân, sai khớp: đu đủ xanh 10g, lá na 10g, muối ăn 5g, vôi tôi 5g. Tất cả giã nát, phết lên gạc, đắp lên chỗ sưng đau sau khi đã nắn chỉnh hình khớp.
Chữa rắn độc cắn: lá đu đủ, rễ chỉ thiên, lá hoặc quả ớt, mỗi vị 50g. Tất cả rửa sạch, giã nát, thêm ít nước, gạn nước uống, bã đắp vào vết rắn cắn.
Hoặc rễ đu đủ 20g, lá xuyên tiêu 10g, hồng bì 5 hạt. Giã nát, thêm nước, gạn nước cho uống, bã đắp.
Chữa ho, viêm họng: hoa đu đủ đực 15g, xạ can 10g, mạch môn 10g, lá húng chanh 10g. Tất cả cho vào bát nhỏ, thêm ít muối, hấp cơm, nghiền nát. Ngậm và nuốt nước.
Chữa ho gà: hoa đu đủ đực sao vàng 20g, trần bì 20g, vỏ rễ dâu (tẩm mật sao) 20g, bách bộ 12g, phèn phi 12g. Tất cả sấy khô tán bột. Ngày uống 3 lần. Trẻ em 1-5 tuổi, mỗi lần 1-4g; trẻ 5-10 tuổi, mỗi lần 5-8g.
Thuốc lợi sữa: đu đủ xanh 50g, lá sung non 50g, chân giò 1 cái, gạo nếp 100g. Đu đủ gọt vỏ bỏ hạt; lá sung rửa sạch, băm nát; chân giò cạo bỏ lông, rửa sạch chặt miếng. Tất cả nấu cháo, chia 2 lần ăn trong ngày.
Chữa lở mặt, lở đầu: nhựa quả đu đủ xanh 1g, bột hàn the 1g, thêm ít nước, trộn đều, bôi lên vết lở hàng ngày.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không nên dùng nhựa và ăn đu đủ xanh.
Đu đủ được ứng dụng trong y học dân gian của nhiều nước. Ở Ấn Độ, quả chín còn chế siro và rượu vang có tác dụng long đờm, an thần và bổ; nhựa mủ từ quả xanh tác dụng trị giun sán, có khi dùng làm thuốc chữa nốt tàn nhang và các mụn ngoài da; lá dùng làm thuốc đắp trị đau thần kinh... Ở Indonesia và Nepal dùng lá đu đủ trị sốt rét hay các bệnh sốt khác, làm thuốc tẩy cho ngựa; nước sắc rễ trị ghẻ cóc, trĩ và viêm niệu đạo...