Hà Nội

Đủ cơ số thuốc để điều trị ngộ độc nấm

30-03-2014 00:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo thông tin từ Trung tâm chống độc BV Bạch Mai, tính đến ngày 30/3 đã có 7 trong số 15 bệnh nhân ngộ độc nấm tử vong do các tổn thương gan, thận quá nặng, 5 người xin về, hiện chỉ còn 3 người vẫn đang được điều trị tích cực tại Trung tâm.

Theo thông tin từ Trung tâm chống độc BV Bạch Mai, tính đến ngày 30/3 đã có 7 trong số 15 bệnh nhân ngộ độc nấm tử vong do các tổn thương gan, thận quá nặng, 5 người xin về, hiện chỉ còn 3 người vẫn đang được điều trị tích cực tại Trung tâm. Được biết, trong thời gian tới BV Bạch Mai sẽ phối hợp với BV Việt Đức, BV Nhi Trung ương, Viện Quân y 103 sẽ xem xét việc ghép gan phù hợp cho các bệnh nhân ngộ độc nấm đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc của BV Bạch Mai…

Bệnh nhân cần phải ghép gan

Trước thông tin cho rằng hiện thuốc để điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc nấm không đủ để điều trị, về việc này phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Kim Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm chống độc BV Bạch Mai cho biết, hiện tại số lượng thuốc của Trung tâm đã đáp ứng đầy đủ thuốc cho công tác điều trị ngộ độc nấm nói riêng và cho nhu cầu điều trị của bệnh viện trong trường hợp đặc biệt nói chung. Ngoài các loại thuốc như sản phẩm bột pha tiêm Silimarin được chuyển từ TP HCM ra, Trung tâm đã được bổ sung thêm Legalon SIL, Fluimucil sẽ phục vụ tốt nhất cho các bệnh nhân ngộ độc nấm và kể cả ngộ độc khác.

Đối với các bệnh nhân bị ngộ độc do nấm, thường gan sẽ bị phá hủy và các biến chứng nặng khác do đó phương án ghép gan cho những bệnh nhân nguy kịch đang được BV Bạch Mai khẩn trương phối hợp lên kế hoạch, tìm kiếm nguồn gan thay thế. BV Bạch Mai sẽ phối hợp với BV Việt Đức, BV Nhi Trung ương, Viện Quân y 103 xem xét việc ghép gan phù hợp cho các bệnh nhân ngộ độc nấm đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai…Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Kim Sơn cho biết đối với việc ghép gan hiện rất khó khăn vì nguồn hiến tặng rất khan hiếm.

Bệnh nhân đang điều trị ngộ độc nấm tại Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai

Bệnh nhân đang điều trị ngộ độc nấm tại Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai

Khuyến cáo người dân không nên ăn nấm

TS Nguyễn Kim Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm chống độc BV Bạch Mai cho biết thêm: Hiện thời tiết ấm, ẩm rất thuận lợi cho các loài nấm phát triển, ở Việt Nam có khoảng 50 - 100 loài nấm độc khác nhau, các loài nấm này được người dân đồng bào các dân tộc sinh sống ở vùng cao thường xuyên hái về để ăn theo thói quen. Cần lưu ý là ngay cả trong một đám nấm mọc ở rừng vẫn lẫn lộn nấm lành và nấm độc. Do đó, khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên ăn nấm trong bất kỳ trường hợp nào, cũng không nên nhận biết và phân biệt nấm độc với nấm thường theo cách dân gian thường làm như: nấm có sâu bọ ăn hoặc cho gà, chó ăn không chết nhưng hoàn toàn vẫn có thể gây ngộ độc đối với người. So với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Và ngay sau khi bị ngộ độc cần khẩn trương gây nôn, uống nhiều nước, cho uống ngay than hoạt tính dù ở dạng nào phải được thực hiện càng sớm càng tốt, rồi sau đó khẩn trương đến cơ sở y tế gần nhất. Cho đến thời điểm này, Bộ Y tế mới công nhận bài thuốc duy nhất chữa ngộ độc nấm là than hoạt tính, tuy nhiên, không dùng trong trường hợp bệnh nhân hôn mê sâu, đang cơn co giật, người uống phải xăng dầu, các hóa chất có sắt, axit hay kiềm mạnh và không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi.

Trước tình trạng ngộ độc nấm có chiều hướng gia tăng, mới đây Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo người dân, đồng thời đề nghị các đơn vị phối hợp tuyên truyền về nấm bằng tiếng Dao, Thái, Mông trên sóng phát thanh tại địa phương nhằm phổ biến rộng rãi các thông tin phân biệt nấm độc tới người dân để bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc do nấm độc.

Cần nâng cao vai trò của nhân viên y tế thôn bản

Cũng theo ông Sơn cần tập huấn cho đội ngũ y tế cơ sở nhất là lực lượng y tế thôn bản, đây là lực lượng quan trọng, gần dân nhất để giảm tình trạng ngộ độc nấm như hiện nay. Bên cạnh đó, lực lượng truyền thông báo chí cũng đóng vai trò rất quan trọng, các cơ quan chức năng của ngành y tế, Cục VSATTP cùng với Trung tâm chống độc phối hợp cùng với Bộ môn Độc học của Học viện Quân y tổ chức thường xuyên và nhiều lần với nhiều hình thức cho các tỉnh phía Bắc và các tỉnh có nguy cơ ngộ độc cao. Với đặc điểm địa hình phức tạp của các tỉnh vùng núi phía Bắc do vậy cách thức tuyên truyền như trước đây cũng nên thay đổi, không tổ chức trên các tuyến tỉnh, huyện nữa mà phải xuống tận cơ sở để tập huấn cho lực lượng y tế thôn bản nắm được để tuyên truyền cho từng người dân về tác hại của ngộ độc nấm gây ra. Còn đối với các cơ sở kinh doanh nấm tại các chợ và siêu thị, nếu cơ quan chức năng phát hiện buôn bán nấm không rõ nguồn gốc đề nghị phạt nặng

 Theo thống kê, tình trạng ngộ độc thực vật độc, nấm độc tại một số tỉnh miền Bắc nước ta như: Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn tính từ năm 2003 đến năm 2011 cho thấy, đã xảy ra 142 vụ ngộ độc thực vật với 241 người mắc, trong đó có 66 người tử vong. Riêng về ngộ độc do nấm độc, tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn đã xảy ra 90 vụ với 340 người mắc, trong đó có 55 người tử vong.

 

 

Trần Lâm

 


Ý kiến của bạn