Chạnh lòng nhìn ra châu lục
Được đánh giá giàu tiềm năng và năm nào cũng “chọn mặt gửi vàng” tác phẩm đến với những sân chơi điện ảnh danh giá, tuy nhiên phim Việt thường không thể đi xa, thậm chí bị loại ngay từ vòng ngoài. Gần đây có phim Hai Phượng, dù được kỳ vọng nhưng không thể vượt qua vòng sơ loại của Oscar 2020. Chung số phận với Hai Phượng ở Oscar trước đó có thể kể đến Cô Ba Sài Gòn, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Trúng số, Mùi cỏ cháy, Khát vọng Thăng Long... Một số phim Việt đến với các liên hoan phim quốc tế có giải nhưng chỉ là sân chơi nhỏ, không có góp mặt của nhiều phim đến từ các nền điện ảnh phát triển.
Nếu nhìn ra châu lục, có thể nhiều khán giả cũng như giới làm nghề sẽ chạnh lòng.Phim Ký sinh trùng (Parasite) của đạo diễn Bong Joon-ho người Hàn Quốc mới đây đã lập kỳ tích trước điện ảnh thế giới. Bộ phim này đã thắng giải “Phim nước ngoài xuất sắc” - hạng mục điện ảnh Quả cầu Vàng liên hoan phim Cannes, đặc biệt đoạt 4/6 giải thưởng quan trọng nhất Oscar 2020. Ký sinh trùng được đánh giá cao về nội dung và cách thể hiện khi phản ánh sự phân hóa giàu - nghèo. Hơn nữa, cốt truyện của bộ phim này được phát triển theo cách khác biệt so với các bộ phim Hollywood khuôn mẫu. Sáng tạo của phim nằm ở chỗ không có nhân vật phản diện. Dù giàu hay nghèo, tất cả nhân vật đều đi theo con đường của riêng mình nhưng sự thù hận, giận dữ của họ vào những thời điểm quan trọng đã dẫn đến cái kết gây sốc. Bộ phim không hề “đụng hàng” theo cách làm của Hollywood hay bất cứ tác phẩm nào nhưng mang giá trị phổ quát.
Ngoài ra, tại Liên hoan phim quốc tế Berlin (Đức) lần thứ 70 gần đây, giải Gấu Vàng danh giá được trao cho bộ phim There Is No Evil của Iran. Chưa kể, liên hoan phim danh giá như Cannes, nhiều tác phẩm của châu Á đã vươn tới đỉnh cao vinh quang và tạo tiếng vang lớn như: Lowly City (Ấn Độ); Cửa địa ngục, Võ sĩ thế thân, Bài ca núi Narayama, The Eel, Kẻ trộm siêu thị (Nhật Bản); Bá Vương Biệt Cơ (Trung Quốc), Hương vị anh đào (Iran), Chú Boomee có thể nhớ lại các kiếp trước (Thái Lan). Những giải thưởng uy tín của các nước châu Á kể trên, đặc biệt sự bùng nổ của Ký sinh trùng vừa qua đã góp phần tạo sự cân bằng và cạnh tranh sòng phẳng với “ông lớn” Hollywood vốn luôn chiếm thế thượng phong.
Muốn định vị trên bản đồ điện ảnh thế giới, phim Việt còn nhiều việc phải làm.
Nhiều nút thắt cần tháo gỡ
Trên thực tế, phim Việt những năm gần đây đã có nhiều bước tiến trong thị trường nội địa, từ phim truyền hình đến phim điện ảnh. Những tác phẩm khuấy đảo doanh thu phòng vé có thể kể đến Em chưa 18, Siêu sao siêu ngố, Tháng năm rực rỡ, Em là bà nội của anh, Cua lại vợ bầu, Mắt biếc, Gái già lắm chiêu 3...Trong khi đó, phim truyền hình có Về nhà đi con, Cả một đời ân oán, Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Chạy trốn thanh xuân, Nàng dâu order...
Theo NSND Trà Giang, muốn hội nhập quốc tế với bản sắc riêng khó lẫn của mình thì chỉ có một con đường duy nhất: làm phim về vẻ đẹp văn hóa và con người Việt Nam. Nhưng như đã nói trên, khi đến với các sân chơi lớn, phim Việt ít để lại dấu ấn. Nguyên nhân có nhiều nhưng vẫn là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”: thiếu kinh phí sản xuất, thiếu kịch bản chất lượng, cơ sở vật chất nghèo nàn, đặt nặng doanh thu, không có trường quay đúng nghĩa... Nhiều nhà làm phim muốn tác phẩm ra tấm ra món nhưng kinh phí có hạn, chưa làm đã lo thua lỗ nên khi phim đến với khán giả không tránh khỏi sạn hoặc tác phẩm có nhiều chắp vá.
Kịch bản phim của ta đa số còn đi vào lối mòn, thiếu sáng tạo nên nhiều phim na ná nhau về nội dung hoặc giống với nước ngoài. Chưa kể nhiều tác phẩm không bám vào đời sống xã hội nên thiếu chân thật và vì thế, không thuyết phục được khán giả. Không ít người xem cũng đánh giá kết phim Việt thường bế tắc, điều này đối lập với những phim hay của thế giới khi đề cao tinh thần luôn có “ánh sáng cuối đường hầm”. Do đó làm lại phim nước ngoài (remake) đã trở thành trào lưu những năm gần đây, ít nhiều làm phai nhạt phong cách Việt trong nhiều tác phẩm.