Du ca bên ly cà phê Ban Mê

10-11-2016 20:30 | Xã hội
google news

SKĐS - Người ta nói thành phố Buôn Ma Thuột là thủ phủ cà phê quả đúng. Khắp ngóc ngách của bản Ko Sie, nơi nghệ nhân Ama Kim ở đều ngát hương cà phê.

Trong tay tôi có ba số điện thoại do chị Linh Nga Niek Đam - nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đăk Lăk cung cấp. Một là của ca nhạc sĩ Y Phôn. Người thứ hai mà tôi cần gặp là họa sĩ Inhi K’sor và cuối cùng là nghệ nhân Ama Kim. Nhưng gọi điện chỉ có ông Ama Kim nhận lời gặp ngay được và hẹn tôi đến uống cà phê. Thế là tôi hỏi dò tìm đến bản Ko Sie, nơi ông ở và cũng là một trong bốn bản làm nên thành phố Ban Mê này.

Vừa cà phê vừa chơi chiêng

Người ta nói thành phố Buôn Ma Thuột là thủ phủ cà phê quả đúng. Khắp ngóc ngách của bản Ko Sie, nơi nghệ nhân Ama Kim ở đều ngát hương cà phê. Tôi đến đúng lúc nghệ nhân Kim đang pha cà phê. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên đó là cách pha hết sức xưa cũ. Hạt cà phê sau khi rang người Ê Đê thường giã mịn, cho vào một túi vải, sau đó nhúng vào nước sôi. Nhưng thay vì cho kèm đường hoặc sữa thì lão nghệ nhân lại cho ít muối sau khi dịch cà phê tiết ra. Đó mới là cà phê tươi theo đúng nghĩa, một thứ ẩm thực dân gian cực kỳ đậm chất Tây Nguyên. Nghệ nhân Ama Kim nói, phin cà phê có từ hơn 100 năm nay, nhưng cứ túi vải lọc cà phê nhâm nhi mới thấy thực đậm. Ông cho rằng đường và sữa pha vào cà phê chỉ là màu mè làm cụt mất hứng đê mê trong vị đắng lịm của cà phê tươi. Tôi nhâm nhi một chút đúng là thấy tê đầu lưỡi.

du ca, du ca ben ly ca phe Ban Me

Nghệ nhân Ama Kim.

Đúng lúc đó, nghệ nhân Ama Kim lôi những nhạc cụ của mình ra biểu diễn cho tôi nghe. Nào chiêng, nào sáo, nào tù và, các loại kèn. Không ngờ đã hơn 70 tuổi, nhưng ông lại hiện lên như một chàng trai Ê Đê khi thổi tù và gọi những người bạn đi săn voi trong rừng. Nghệ nhân Ama Kim đã từng dẫn đội cồng chiêng của bản mình đi biểu diễn khắp nơi với Đoàn Nghệ thuật Đăk Lăk. Đội nhạc của bản đã đoạt được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Cứ sau mỗi chén cà phê muối tươi ông như lại thêm thăng hoa với những nhạc cụ trên tay. Cô cháu gái H’Ngôn Niê đứng bên bỗng cất tiếng hát theo điệu sáo bay bổng trên môi ông. Đó là bài ca Đuổi chim ăn lúa. Nghe như có đàn chim ríu ran cất cánh bay lên trong gió ngàn dào dạt. Hai bàn tay cô bé khua lên cao trong tiếng hát líu lo. Hình như đàn chim đang bay đi trong niềm vui trẻ thơ. Từng âm thanh lảnh lót bay lên, bay lên như một lời chào. Nhưng khi nghệ nhân chơi nhạc cụ bộ gõ trong bài Mời rượu thì ông bắt tôi phải học gõ ống nhạc cụ để hòa cùng. Phải uống đến mấy ngụm cà phê muối tôi mới đủ sự tỉnh táo để bắt theo nhịp phách của bản nhạc. Và, tôi trở thành một nhạc công hòa điệu lúc nào không rõ nữa. Mời rượu mà phải say và phải mơ mộng trong hội bản Ko Siê. Ngôi nhà sàn bên đồi của nghệ nhân Ama Kim rung lên trong điệu nhạc say đến mênh mông trong làn gió cao nguyên ùa tới.

Vừa hay lúc đó ca sĩ Y Phôn gọi, báo là đã xong việc và hẹn tôi ra cây số 3, gặp ở quán cà phê Hiếu. Anh còn nói có thể cả họa sĩ Inhi K’so cũng có mặt. Tôi vội hỏi nghệ nhân Ama Kim cây số 3 ở đâu và tại sao đó lại là một điểm hẹn. Lúc này giọng nói của Ama Kim bỗng trầm lắng hẳn. Ông chỉ đường, rồi kể cây số 3 ở ngã ba của hai con đường lớn, chính là nút khởi điểm cho cuộc tấn công của quân đội ta ở mặt trận Buôn Ma Thuột. Quân đội ta chia làm hai mũi tiến công. Đó là cứ điểm sân bay và kho hàng tiếp tế vũ khí. Còn một mũi tấn công cơ quan đầu não của Mỹ ngụy, Sư đoàn 23. Nghệ nhân Ama Kim còn nhớ từ 2 giờ sáng ngày 10/3/1975, Trung đoàn đặc công 198 của ta nổ súng vào sân bay, thì đồng loạt các mũi tiến công khác cũng bất ngờ cấp tập khai hỏa. Đến 17 giờ 30 phút cùng ngày hôm đó, quân đội ta đã chiếm được hầu hết các mục tiêu và giải phóng thành phố Buôn Ma Thuột. Nghệ nhân như sống lại một thời oanh liệt trong chiến dịch năm nào. Nghe ông kể xong chuyện của cây số 3, tôi càng thêm hào hứng đi tìm gặp Y Phôn và Inhi K’so.

Bước chân trần say đến Bốn mùa cà phê

Hai ông bạn trẻ chờ tôi đã bày sẵn phin cà phê trên bàn. Ca sĩ Y Phôn xù xì bao nhiêu thì họa sĩ Inhi lại chỉn chu bấy nhiêu. Nhưng cả hai đều búi tóc và toát lên chất lãng tử đậm chất cao nguyên đầy nắng và gió. Đặc biệt cả hai lại cùng ở huyện Ea H’Leo, tỉnh Đăk Lăk. Y Phôn hiện là ca sĩ kiêm nhạc sĩ sáng tác của Đoàn Ca múa nhạc Đăk Lăk. Anh nổi tiếng với những ca khúc đậm chất Tây Nguyên như Bước chân trần, Chim phí bay về nguồn, hoặc Chiếc gùi hay Đi tìm lời ru mặt trời... Còn họa sĩ Inhi là giảng viên của Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đăk Lăk. Anh đoạt nhiều giải thưởng hội họa và được nhiều người biết đến với những tác phẩm như: Lễ trao vòng, Đi dự hội hoặc là Rượu mừng hay Mùa gặt, Hội làng... và nhất là tác phẩm Bốn mùa mới vẽ cho một Lễ hội cà phê Tây Nguyên. Nói đến đây, chuyện chúng tôi bỗng dưng xoay quanh xứ sở cà phê nổi tiếng thế giới này.

du ca

Ca sĩ Y Phôn (trái) và họa sĩ Inhi.

Tôi lại càng bất ngờ khi nghe họa sĩ Inhi nói đến chuyện nhâm nhi cà phê và thả hồn vào hương vị cũng như thưởng thức và ngộ ra những điều gì ở đó. Đó là câu chuyện bốn ngụm cà phê bay bổng và ẩn chứa những suy tư một cách hồn nhiên vào những sớm bình minh. Ngụm cà phê đầu tiên tâm hồn như chắp cánh trong hương thơm và lắng nghe những khát khao trong một ngày mới. Sang đến ngụm cà phê thứ hai ắt sẽ thấm cái vị đắng tê lưỡi như cất lên tiếng gọi của công việc cần phải thu xếp ra sao. Còn đến ngụm thứ ba càng đậm thêm vị đắng để tăng sự phấn khích say mê trong đối thoại về công việc. Tự lục vấn mình và tự đổi mới. Đó là sáng tạo. Còn ngụm cà phê thứ tư là sự sáng khoải minh mẫn trong cách giải quyết công việc một cách tinh tế và khéo léo dẫn tới thành công. Tôi nghe một mạch ù cả tai nhưng lại thấy có lý về cái gọi là văn hóa ẩm thực cà phê cao nguyên.

Nói rồi họa sĩ Inhi bật cho tôi xem bức Bốn mùa. Anh nói đó cũng là thành quả sáng tạo bên những ly cà phê mà anh đã thưởng thức hàng ngày. Hình tượng bốn cô gái Tây Nguyên như đang chuyển động trước mắt tôi với những ly cà phê Ban Mê. Ánh sáng huyền ảo với sắc màu tràn lên những đường nét trẻ trung, gợi cảm của các cô gái. Với những bầu ngực căng tròn cùng gương mặt tràn đầy niềm vui trong lao động, các cô gái biểu tượng cho sức sống của mảnh đất bazan đất đỏ. Sắc hồng rực rỡ và nét duyên dáng đã tạo nên hương sắc mê đắm của xứ sở cà phê Ban Mê.

Xem xong bức tranh Bốn mùa. Cả ba chúng tôi lại ngồi ngắm những giọt cà phê thong thả rơi xuống đáy cốc sau một lần pha nước mới. Quả là đến ngụm thứ ba tôi cũng thấy thăng hoa trong ý nghĩ. Đột nhiên tôi hỏi về bờ vai của người cha trong bài hát Đôi chân trần của Y Phôn. Trong tâm hồn tôi hòa trộn một cảm xúc đối nghịch với hình ảnh bờ vai đẹp như mơ của các cô gái trong bức tranh bên cạnh bờ vai gầy guộc của một người già trong bài hát. Dường như nhạc sĩ Y Phôn cũng rưng rưng nhớ lại bài hát mình viết cách đây hai mươi năm. Đó chính là một bức họa Tây Nguyên khác. Nó mang giai điệu đầy ẩn ức trong trái tim nghệ sĩ. Một bờ vai gầy gò của người cha dội lên trong ký ức. Cả họa sĩ Inhi cũng vậy, trở về với những ký ức tuổi thơ, anh bỗng cất tiếng hát những lời ca da diết của bạn mình: “Đôi vai gầy run run tựa vào hàng cây... Ôi thời gian. Tôi muốn quên đi. Đôi chân trần. Cha đi giữa rừng hoang vu...”. Nhạc sĩ Y Phôn kể khi mới viết xong ca khúc, anh nhờ NSND Y Moan hát thử. Không ngờ cả đêm hôm đó hai người uống mấy gói cà phê theo kiểu nông dân Ê Đê để tỉnh táo hát. Say mê đến độ khi ánh bình minh bừng lên mới hay trời sáng. Còn Y Moan hát cùng với nước mắt tuôn trào. Đó chính là một đêm cà phê đậm chất Ban Mê thực sự làm Y Phôn không bao giờ quên. Sự ngẫu hứng như một cơn say cất tiếng. Y Phôn hát như nén tiếng gào lên trong lồng ngực: “Tôi muốn quên đi tháng với ngày. Cha đi tìm quả ngọt rừng. Cho con đỡ đói qua đêm. Tôi muốn quên đi. Đôi chân trần. Cha đi lượm từng hạt thóc. Cho con một bữa cơm chiều...”. Tôi nghe và bỗng nhớ về một quá khứ lận đận của người cha mình. Hình ảnh làm tôi rơi nước mắt. Cả hai, Inhi và Y Phôn cũng khóc.

Hương vị cuối

Tôi tiếp tục lang thang trên đường phố với hương cà phê buổi tối lất phất tỏa lan theo chiều gió. Nghĩ tới ca khúc Bước chân trần của Y Phôn tôi như thấu được cái vị cà phê muối mà nghệ nhân Ama Kim đã pha túi cho tôi uống. Đó là vẻ đẹp của bờ vai quá khứ vùng đất bazan. Còn xem tranh của Inhi với bốn cô gái cầm trong tay bốn phin cà phê, tôi lại được hưởng vị ngọt ngào của hương thơm mật ngọt tiết ra trong những hạt cà phê. Đó là vẻ đẹp của bờ vai của sức sống mới, khao khát sáng tạo vươn tới chân trời. Cả hai đều đẹp, đều quyến rũ lòng người.

Bất ngờ tôi ngồi xuống một chiếc ghế nhỏ của một quán cà phê trên con đường rẽ vào công viên thành phố. Tôi đòi một túi cà phê nhúng nước sôi như những người nông dân vẫn uống. Tất nhiên cô ta đưa kèm cho tôi một nhúm muối cùng một phích nước sôi. Tôi định thức trắng đêm để lang thang khắp các con phố trên xứ sở cao nguyên này. Biết bao điều chờ tôi phía trước. Một tiếng nhạc du dương ngân nga. Những phím đàn ghi-ta tỉa nốt thanh mảnh như sợi chỉ. Một giọng hát cũng rất nhẹ như tơ: “Anh đã đi một ngày mưa buồn. Cơn gió đông lạnh đầy đôi tay… Từng giọt cà phê ngọt đắng. Biết em nơi đâu bây giờ. Em ơi! em ơi...”.


Bài và ảnh: Vương Tâm
Ý kiến của bạn
Tags: