Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội chiều 3/11 liên quan đến lĩnh vực xây dựng, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho rằng: thị trường tài chính – bất động sản (BĐS) – tăng trưởng kinh tế giống như "kiềng 3 chân", có quan hệ biện chứng với nhau.
Đại biểu đặt chất vấn đối với Bộ trưởng về dự báo xu thế phát triển thị trường BĐS Việt Nam trong thời gian tới như thế nào. Những khó khăn, vướng mắc, tồn tại đang gặp phải trong phát triển thị trường BĐS Việt Nam thời gian qua. Những giải pháp để khắc phục tồn tại, khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trong thời gian tới?
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận, thị trường BĐS nước ta hiện nay còn một số hạn chế, tồn tại như: hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS và một số vi phạm pháp luật khác vẫn còn tồn tại, bất cập cần phải sửa đổi.
Bên cạnh đó, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án BĐS tại hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn, dẫn đến nguồn cung BĐS sụt giảm. Từ đó khiến số lượng dự án được chấp thuận mới khởi công xây dựng và hoàn thành đúng thời gian còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở thương mại có giá phù hợp cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình, đặc biệt là nhà ở xã hội, công nhân.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng phân tích thêm: "Cơ cấu sản phẩm BĐS tiếp tục bất hợp lý, trong đó thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp; Giá BĐS cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân; Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý sử dụng đất và thị trường BĐS tại địa phương còn bất cập; Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro…"
Người đứng đầu Bộ Xây dựng cũng nêu lên thực trạng, thị trường BĐS vừa qua có biến động do chịu tác động của tình hình kinh tế vĩ mô, các kênh đầu tư khác không ổn định so với kênh đầu tư BĐS; Nguồn cung các loại BĐS quá thiếu hoặc quá thừa so với nhu cầu; chính sách tài chính tín dụng cho BĐS bị hạ thấp hoặc thắt chặt, thiếu sự can thiệp kịp thời, hợp lý của Nhà nước đối với thị trường BĐS…
Về nhận định tình hình trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu quan điểm: "Sẽ tiếp tục gặp khó khăn, trong đó nguồn cung tiếp tục hạn chế, cơ cấu sản phẩm có cải thiện nhưng chưa phù hợp trong khi nhu cầu của người dân về nhà ở, phân khúc thu nhập thấp, trung bình, nhà ở xã hội và công nhân còn rất lớn".
Tư lệnh ngành xây dựng thông tin, thời gian tới Bộ thực hiện đồng bộ, quyết liệt trách nhiệm các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra như: Giải pháp liên quan hoàn thiện hệ thống pháp luật; giải pháp về kiểm soát cơ cấu tín dụng BĐS đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro; tạo điều kiện cho vay lĩnh vực BĐS; ưu tiên cho vay dự án nhà ở cho công nhân, thu nhập thấp; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc…
Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường BĐS phát triển an toàn lành mạnh có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển KTXH; góp phần phát triển và thay đổi diện mạo đô thị; phát triển nhà ở xã hội; đảm bảo an sinh xã hội.
Thị trường BĐS phát triển cần huy động nguồn lực từ các kênh từ đầu tư trực tiếp như: nguồn vốn từ thị trường khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ngân sách nhà nước, vốn tự có của người dân, doanh nghiệp, vốn tín dụng chỉ là một trong các kênh trên…
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, phải đảm bảo sự an toàn, ổn định thị trường tiền tệ, ưu tiên đảm bảo an toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước cần cân đối giữa việc ưu tiên cho thị trường BĐS và việc đảm bảo đạt được các mục tiêu quan trọng của mình.
Trong quá trình kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng các biện pháp gián tiếp, quy định theo hướng kiểm soát rủi ro. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, trong thời gian tới, chính sách điều hành tín dụng sẽ nằm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững an toàn hệ thống, an sinh xã hội.