Dự báo năm 2034, sẽ thừa 1,5 triệu nam giới do mất cân bằng giới tính khi sinh

25-11-2021 15:10 | Xã hội

SKĐS - Coi trọng con trai hơn con gái, muốn có người thừa kế hương hỏa… là nguyên nhân dẫn tới lựa chọn giới tính khi sinh. Nếu không có giải pháp để giảm mất cân bằng giới tính, dự báo sẽ thừa 1,5 triệu nam giới từ 15-49 tuổi vào năm 2034.

Lay động bởi lời của cha muốn có cháu đích tôn, thừa kế hương hỏa

Gia đình anh Nguyễn Văn Tâm (Nghệ An) đã có 02 con gái. Con đầu 12 tuổi và con thứ hai 8 tuổi. Cả hai cháu đều xinh xắn, ngoan ngoãn hiếu thảo và học tốt, luôn được thầy cô và bà con hàng xóm khen ngợi.

Anh Tâm là con trai trưởng trong gia đình. Lúc đầu vợ chồng anh Tâm cũng định dừng lại ở hai con để chăm sóc và nuôi dạy cho tốt…

photo-1637821229578

Tâm lý sinh được con trai để nối dõi tông đường…

Mọi việc cứ yên bình trôi qua, cho đến khi ông Nam, bố anh Tâm bị ốm. Trong thời gian chăm cha bị bệnh, một lần ông Nam nắm lấy tay anh Tâm và khẩn khoản nói: "Giá như bố có được một đứa cháu đích tôn để thừa kế hương hỏa thì có nhắm mắt xuôi tay bố cũng yên lòng. Vợ chồng anh tính toán xem sao, đẻ cho bố thằng cu nhé, chứ không đến anh là tuyệt tự à".

Nhìn cha nằm trên giường, người yếu ớt nhưng giọng nói dứt khoát lắm, làm anh cứ trăn trở mãi. Thực tình thì vợ chồng anh cũng đã quyết định không sinh nữa, giờ muốn sinh cũng phải thuyết phục vợ nữa.

Câu nói của cha làm anh suy nghĩ bao đêm. Anh là người thương cha lắm. Rồi để báo hiếu với cha, cuối cùng anh cũng đưa ra vấn đề này để bàn với vợ.

Chị Lan (vợ anh) lúc đầu nghe anh nói thì cũng không đồng ý. Thế nhưng rồi anh Tâm cứ thuyết phục dần dần, mưa dần thấm lâu làm chị Lan cũng đổ theo.

Để sinh con trai, hai vợ chồng anh Tâm cũng rất vất vả, nào là phải đi khám, nhờ "chuyên gia" tính toán, theo dõi… Đến khi có thai được 3 tháng, siêu âm con gái, vợ chồng anh phải bỏ thai. Rồi sau đó hai vợ chồng anh lại tiếp tục kiên trì, tính toán, chữa chạy… đến lần thứ hai mới được con trai, thỏa nguyện tâm trí của cha và gia đình anh.

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến thừa nam, thiếu nữ...

Hiện vẫn còn một bộ phận các gia đình vẫn có tư tưởng coi trọng việc sinh con trai; tâm niệm nếu không có con trai nối dõi thì bị xem là tuyệt tự… Cái tư tưởng phải đẻ con trai để thừa kế đất hương hỏa của người dân còn rất nặng nề, trong đó có ông Nam, cha của anh Tâm, dẫn đến việc lựa chọn giới tính thai nhi.

Các quan niệm xã hội và tín ngưỡng đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên; con trai giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong xã hội; đứa con sinh ra phải mang họ của bố; người chồng thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn; con trai được thừa kế tài sản của cha mẹ, vị thế của người phụ nữ không được coi trọng... Tất cả những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ...

Dự báo năm 2034, sẽ thừa 1,5 triệu nam giới do mất cân bằng giới tính khi sinh - Ảnh 2.

Khi chọn giới tính sinh con trai sẽ dẫn tới việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy:

Tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái, cho thấy mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức rất cao.

Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở tất cả các nhóm mức sống. Trong 10 năm qua, TSGTKS của nhóm nghèo nhất tăng từ 105,2 lên 108,2 bé trai/100 bé gái; trong khi đó, TSGTKS của nhóm giàu nhất vẫn ở giữ mức cao (năm 2019: 112,9 bé trai/100 bé gái).

Tâm lý ưa thích con trai và nhu cầu cần có con trai tác động tới việc sinh thêm con của các cặp vợ chồng. Những cặp vợ chồng đã có hai con nhưng chưa có con trai, khả năng sinh thêm con cao gấp đôi so với những cặp vợ chồng đã có ít nhất một con trai. Việc sinh thêm con để có con trai đặc biệt rõ rệt ở nhóm dân số có trình độ học vấn cao và mức sống tốt hơn.

Sự ưa thích con trai còn được thể hiện qua việc lựa chọn giới tính trước sinh ngay từ lần sinh đầu, với TSGTKS là 109,5 bé trai/100 bé gái đối với lần sinh đầu tiên; TSGTKS tiếp tục tăng ở lần sinh từ thứ ba trở lên (119,8 bé trai/100 bé gái). Đối với các cặp vợ chồng sinh liên tiếp 2 con gái, TSGTKS của lần sinh thứ ba là 143,8 bé trai/100 bé gái.

Mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh hiện tại sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu dân số trong tương lai như dư thừa số lượng nam thanh niên. Dự báo của Tổng cục Thống kê cho thấy, nếu TSGTKS vẫn giữ nguyên như hiện nay, số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 2,5 triệu người; nếu TSGTKS giảm nhanh và đạt mức bình thường vào năm 2039 thì số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa vào năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 1,8 triệu người.

Mời độc giả xem thêm video:

Hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà.

Xuân Thủy
Ý kiến của bạn