Xây dựng thủy điện là việc làm cần thiết, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, mỗi thủy điện được cấp phép xây dựng đồng nghĩa với việc hàng trăm hecta rừng già bị tàn phá để nhường chỗ cho những công trình thủy điện. Bên cạnh đó, hệ lụy của việc trên khiến lũ lụt ngày càng hung hãn, cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Môi trường sinh thái thay đổi khiến nhiều loài động - thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Thủy điện bao phủ đến 10 huyện
Để tìm hiểu về các dự án thủy điện ở địa bàn tỉnh Quảng Nam được cấp phép xây dựng trong thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Sở Công Thương Quảng Nam tìm hiểu và băng rừng núi đến tận các dự án thủy điện để phản ánh. Báo cáo của Sở Công Thương Quảng Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, có tổng cộng 33/48 dự án thủy điện được phê duyệt, các dự án thủy điện (DATĐ) đã được phê duyệt quy hoạch tại Quảng Nam với tổng công suất khoảng 1.601,1 MW, trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có 4 dự án là: thủy điện A Vương (công suất 210MW), Sông Tranh (180MW), Sông Bung (108MW), Sông Bung 4 (120MW); còn lại là do các chủ đầu tư khác và địa phương quản lý. Hiện nay, DATĐ đã được “phủ sóng” khắp 10 huyện của tỉnh Quảng Nam, gồm: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Quế Sơn và Đại Lộc, trong đó huyện Nam Giang có đến 11 DATĐ bậc thang vừa và nhỏ; huyện Nam Trà My có đến 13 DATĐ; huyện Bắc Trà My hiện có 2 dự án là thủy điện Sông Tranh 2 và Tà Vy. Tính đến thời điểm này, tỉnh Quảng Nam đã có 8 công trình thủy điện đang phát điện gồm: công trình thủy điện A Vương, Sông Côn 2, Khe Diên, Đại Đồng, Sông Cùng, Za Hung, Trà Linh 3 và Sông Tranh 2. Bên cạnh đó, hàng loạt DATĐ đang triển khai hoặc đang lập báo cáo đầu tư.
Không chỉ có thủy điện lớn mà một số thủy điện nhỏ và bậc thang cũng đua nhau xây dựng. |
Rừng mất, dân mất đất theo
Chặn dòng tích nước, các công trình thủy điện (TĐ) đã nhấn chìm dưới lòng hồ nhiều ngàn ha rừng đầu nguồn, rừng già nguyên sinh của Quảng Nam. Hàng chục ngàn hécta rừng thượng nguồn khác cũng bị triệt hạ để mở đường công vụ, xây dựng nhà công vụ, phục vụ tái định cư dự án, đốt rừng làm nương rẫy…
Chúng tôi có mặt tại DATĐ Sông Tranh 2, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam - DATĐ cũng nằm trong số phận “ăn đất rừng”. Thủy điện này đã chiếm đất rừng của dân, đất sản xuất, từ đó kéo theo đời sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Để có đất sản xuất, phần lớn người dân ở đây đều đi đốt rừng, đốt nương để lấy đất trồng trọt. Chị Hồ Thị Dôn (thôn 2, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My) cùng khoảng 800 hộ dân đã bàn giao đất đai, nhà cửa để làm TĐ Sông Tranh 2 và khăn gói về khu tái định cư mới. Từ đó, công việc hằng ngày của chị Dôn chủ yếu là... đốt rừng. Chị Dôn kể: “Nhà có 9 miệng ăn nhưng không có đất để trồng trọt. Chị cũng như nhiều gia đình ở đây phải đi đốt rừng để lấy đất làm rẫy, dân không có đất thì đi phát rẫy ở rừng để khai hoang trồng trọt thôi, chứ dân chúng tôi biết lấy gì sinh sống. Cứ đốt hết quả đồi này, trồng được một vụ xong lại sang đồi khác đốt” - chị Dôn tâm sự.
Nghe hỏi chuyện dân địa phương đốt rừng lấy đất làm rẫy, ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My cho biết: Khi có DATĐ Sông Tranh 2, nhân dân trong vùng ai cũng phản đối quyết liệt, nhất là các hộ dân sống dưới lòng hồ, triển khai dự án thì mất đất rừng, mất đất sản xuất, đời sống nhân dân bị đảo lộn, nếu chuyển qua khu tái định cư khác thì cũng khai hoang đất rừng mới có đất để xây dựng khu tái định cư, ngoài ra cũng khai hoang thêm đất, mới có đất sản xuất.
Qua trao đổi với ông Huỳnh Tấn Sâm - nguyên Bí thư huyện ủy Bắc Trà My được biết: khi DATĐ Sông Tranh 2 được đầu tư, xây dựng, lúc đó tôi còn làm Bí thư, chính tôi cũng phản đối quyết liệt, Ban thường vụ huyện ủy Bắc Trà My đề nghị tỉnh Quảng Nam không cho xây dựng thêm các công trình thủy điện khác trên địa bàn huyện trong thời gian tới. Thời gian qua, DATĐ Sông Tranh 2 là một trong những thủy điện lớn, vùng ảnh hưởng rộng, diện tích bị ngập nước xấp xỉ 2.500ha đất các loại; trên 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó có đến 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, quá trình quy hoạch bố trí tái định cư nhưng chưa gắn liền với việc quy hoạch đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nên hầu hết nhân dân không có đất sản xuất, dự báo trong thời gian tới, tình trạng thiếu đói là khó tránh khỏi. Ngoài ra, do không có đất sản xuất nên chắc chắn người dân sẽ phá rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ để sản xuất tái diễn, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ tái nghèo.
Bài và ảnh:Trương Hồng Phong