Tháng 8/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa X đã thông qua Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư dự án "đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 Trạm y tế tuyến xã có tổng mức đầu tư 196,9 tỷ đồng". Đây là dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ sau đại dịch Covid-19.
UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định triển khai thực hiện trong 2 năm 2022 – 2023 và giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Trong đó, có 53 công trình xây dựng mới và 23 công trình sửa chữa và mua sắm trang thiết bị. Việc đầu tư mới nhằm bảo đảm khả năng chẩn đoán bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.
Theo tìm hiểu, mặc dù thời hạn hoàn thành dự án vào tháng 12-2023 nhưng đến nay, việc triển khai vẫn ì ạch, chưa thể thi công. Phía chủ đầu tư vẫn đang loay hoay với công tác đầu thầu, điều chỉnh hồ sơ thiết kế, xin điều chỉnh chủ trương đầu tư... Trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tại các trạm y tế xã đang rất cấp bách thì dự án có nguy cơ bị chậm tiến độ và sẽ bị thu hồi vốn.
Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Nguyễn Công Thành – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam xác nhận, đến thời điểm hiện tại, chỉ mới hoàn thiện khâu phê duyệt dự án, đấu thầu thiết kế xong. Việc triển khai dự án bị chậm do gặp phải một số khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, mặc dù tiến độ dự án cấp bách nhưng không được phép chỉ định thầu, phải tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu qua mạng. Ngoài ra, thủ tục về môi trường mới thay đổi nên chủ đầu tư lẫn cơ quan thẩm định đều lúng túng.
Liên quan đến tiến độ của dự án này, tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X ngày 12/7, ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam đã đề cập đến thực trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Trong đó, ông Cường nhấn mạnh việc riêng nguồn vốn thực hiện 76 trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai. Nếu đến cuối năm nay (dự án kết thúc tháng 12/2023) không hoàn thành, sẽ tiến hành điều chuyển Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư). Ông Cường cũng giao cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy chuẩn bị việc này (điều chuyển cán bộ - pv).
Trả lời câu hỏi về tiến độ dự án cũng như lộ trình mà ông Cường đặt ra tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, Ban có triển khai kịp không? Ông Nguyễn Công Thành nói: "Với tiến độ này sẽ không kịp bởi còn nhiều vướng mắc. Vừa rồi họp, Ban cũng đã giải trình với Bí thư tỉnh uỷ để anh nắm".
Trước đó, tại buổi khảo sát thực trạng các trạm y tế xã ngày 5/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn đã yêu cầu chủ đầu tư xây dựng bản đồ công việc, kế hoạch thời gian cụ thể cho việc thực hiện dự án. Bằng mọi giá phải hoàn tất các hồ sơ, thủ tục, triển khai thi công dự án, không thể để mất nguồn vốn.
Theo công bố từ phía chủ đầu tư, đến đầu tháng 9/2023 sẽ bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng, tháng 10 thi công, theo hướng sẽ thực hiện trước những trạm y tế nào đủ điều kiện, không phụ thuộc những trạm đang điều chỉnh. Các dự án sẽ được phân thành nhiều gói thầu (vẫn đấu thầu qua mạng).
Theo nhóm cải tạo, xây mới hoặc theo huyện/vùng để có thể huy động nhiều nguồn lực cùng thực hiện. Dự kiến, các trạm y tế thuộc diện sửa chữa, cải tạo sẽ cơ bản bàn giao, sử dụng từng phần. Các trạm y tế xây mới sẽ hoàn thành hết phần thân công trình.