Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 (dự án) có tổng chiều dài khoảng 13,8 km, điểm đầu tại cảng Cửa Việt (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị), điểm cuối giao với Quốc lộ 1 (xã Thanh An, huyện Cam Lộ).
Theo đó, dự án sử dụng vốn dư của Dự án VRAMP, vốn vay WB được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1384/QĐ-TTg ngày 4/8/2021, tổng vốn hơn 440 tỷ đồng.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là đơn vị cấp quyết định đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Quảng Trị thực hiện, hoàn thành theo tiến độ của dự án (năm 2021-2022).
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, việc đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 9, đặc biệt đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải là cần thiết. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương và khu vực.
Sau khi được đầu tư nâng cấp, tuyến đường sẽ được nâng cao năng lực vận tải, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh, khai thác các thế mạnh về giao thương hàng hóa, dịch vụ du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây.
Công tác giải phóng mặt bằng của Dự án đã được HĐND tỉnh Quảng Trị phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 10/3/2021 và điều chỉnh tại Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 14/7/2022 với tổng mức đầu tư là 345,55 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2021-2022.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, vì thời gian thực hiện dự án ngắn, trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn vướng mắc do các nguyên nhân khách quan và chủ quan nên đến hết năm 2022 dự án chưa thi công hoàn thành, Hiệp định vay vốn không được Ngân hàng Thế giới gia hạn, dự án vay vốn WB do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương hết thời gian thực hiện.
UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp, làm việc với Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam và có ý kiến về một số nội dung liên quan đến dự án. Đồng thời, UBND tỉnh có Văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề xuất về phương án tiếp tục thực hiện.
Theo nội dung Văn bản số 3845 ngày 23/5/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thay thế vốn vay WB bằng vốn ngân sách trong nước cho dự án sẽ dẫn đến thay thế 1 dự án sử dụng vốn nước ngoài bằng 1 dự án sử dụng vốn trong nước. Đồng thời, quy mô dự án là nhóm B nên Bộ trưởng Bộ GTVT là cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, trường hợp dự án được tiếp tục triển khai thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Trung ương do Bộ GTVT quản lý thì việc UBND tỉnh sử dụng nguồn vốn địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng sẽ vướng mắc, không phù hợp với quy định.
Bên cạnh đó, khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại chủ yếu qua khu vực đông dân cư, phải thực hiện quy trình thủ tục giải phóng mặt bằng đất phi nông nghiệp theo quy định pháp luật về đất đai và xây dựng các khu tái định cư.
Trên tuyến lại có nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật cần phải di dời nên thời hạn hoàn thành trước tháng 6/2024 theo yêu cầu của Bộ GTVT chưa đảm bảo tính khả thi.
Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, để dự án tiếp tục triển khai hoàn thành, UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép đóng dự án thực hiện theo hình thức ODA từ nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới WB.
Thực hiện tái cấu trúc dự án và phê duyệt chủ trương đầu tư theo hai giai đoạn 2021-2026 và 2026-2030. Trong đó, đối với các đoạn đã bàn giao mặt bằng và thi công dang dở, bố trí vốn ngân sách trong kỳ trung hạn 2021-2025 để tiếp tục triển khai nhằm tránh lãng phí. Các đoạn còn lại sẽ triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách trong kỳ trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, tỉnh đã có kiến nghị gửi lên Bộ GTVT và đang chờ Bộ báo cáo Thủ tướng.