Hà Nội

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi): Hoàn thiện quy định để đưa người dân khỏi chung cư cũ, có nguy cơ đổ sập

05-06-2023 11:19 | Thời sự
google news

SKĐS - Thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, chung cư cũ, hư hỏng, có nguy cơ đổ sập mà chưa di dời người dân là vấn đề đã và đang tồn tại. Chính vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định và bổ sung giải pháp quyết liệt hơn.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, hôm nay (5/6) Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đồng thời Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án luật này.

Nhiều điểm mới tại dự thảo luật

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, dự thảo luật bổ sung quy định về: Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (NƠXH); Hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về NƠXH; Điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH; Nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về NƠXH; Hình thức phát triển NƠXH; Loại nhà và tiêu chuẩn diện tích NƠXH; Đất để xây dựng NƠXH...

Bên cạnh đó, dự án luật còn bổ sung mới một số quy định như: Nguồn vốn của nhà nước để phục vụ cho phát triển nhà ở; Hình thức huy động vốn để phát triển nhà ở.

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi): Hoàn thiện quy định để đưa người dân khỏi chung cư cũ, có nguy cơ đổ sập - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, so với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bổ sung quy định về xử lý vi phạm trong giao dịch NƠXH trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 62 Luật Nhà ở và bổ sung thêm quy định của Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.

Dự thảo luật nêu rõ, Nhà nước đầu tư xây dựng NƠXH bằng vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trên diện tích đất được xác định để xây dựng NƠXH theo quy định để bán, cho thuê, cho thuê mua.

Doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ vốn đầu tư xây dựng NƠXH để cho thuê, cho thuê mua, để bán cho các đối tượng quy định; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng NƠXH cho đoàn viên Công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua; Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển NƠXH thông qua hình thức đầu tư vốn hoặc thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở hoặc liên doanh/hợp tác đầu tư cùng doanh nghiệp, hợp tác xã trong nước để cùng thực hiện dự án đầu tư xây dựng NƠXH.

4 điểm nghẽn cần phải tháo gỡ khi di dời người dân khỏi chung cư nguy hiểm

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thông tin, một trong những vướng mắc lớn hiện nay cần phải khắc phục khi sửa đổi Luật Nhà ở là tình trạng khó khăn trong phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, đã bị xuống cấp, hư hỏng. Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, dự thảo Luật trình Quốc hội đã bỏ phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Tuy nhiên, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, cơ quan thẩm tra cho rằng, các nội dung bổ sung trong dự thảo chưa đáp ứng yêu cầu nêu ra về tính cụ thể, khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn, cần phải được tiếp tục rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện. Ủy ban Pháp luật cho rằng, các quy định của dự thảo luật về vấn đề này cần phải tháo gỡ được 4 điểm nghẽn.

Thứ nhất, không di dời được người dân ra khỏi các nhà chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ. Hiện dự thảo chưa quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời, biện pháp cưỡng chế, dẫn đến khó khăn trong công tác triển khai.

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi): Hoàn thiện quy định để đưa người dân khỏi chung cư cũ, có nguy cơ đổ sập - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

"Nếu chung cư cũ, hư hỏng, có nguy cơ sập đổ mà chưa di dời được người dân, hậu quả xảy ra ai sẽ chịu trách nhiệm?", Ủy ban Pháp luật đặt vấn đề và đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định cụ thể và bổ sung giải pháp quyết liệt hơn, trong đó có các biện pháp cưỡng chế cần thiết, phù hợp để khắc phục tình trạng này.

Cơ quan thẩm tra cũng đưa ra gợi ý: "Ví dụ, hiện nay chưa có quy định biện pháp cắt điện, nước để buộc thực hiện nghĩa vụ di dời vì nhiều quan điểm cho rằng, cung cấp điện, nước là giao dịch dân sự độc lập với yêu cầu thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, nếu xác định việc cung cấp điện, nước cho các căn hộ nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, buộc phải di dời là giao dịch bị cấm thì có thể bổ sung quy định này vào Luật Nhà ở để tạo áp lực cho các chủ sở hữu căn hộ phải di dời theo tiến độ".

Thứ hai, không lựa chọn được chủ đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong trường hợp người dân tự góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư.

Thứ ba, không thống nhất được phương án bồi thường, tái định cư sau khi đã lựa chọn được chủ đầu tư dẫn đến việc triển khai dự án kéo dài, không bảo đảm tiến độ thực hiện kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Thứ tư, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải áp dụng quy định về trình tự, thủ tục đầu tư của cả Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công gây khó khăn, kéo dài thủ tục thực hiện dự án cũng là một vướng mắc cần phải khắc phục.

Bộ Xây dựng: Nếu phát hiện sai phạm trong mua, bán nhà ở xã hội sẽ thu hồiBộ Xây dựng: Nếu phát hiện sai phạm trong mua, bán nhà ở xã hội sẽ thu hồi

SKĐS - Thông tin đến đông đảo cơ quan báo chí, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến mua bán nhà ở xã hội (NƠXH); Những trường hợp vi phạm sẽ cương quyết thu hồi.


Nhóm PVQH
Ý kiến của bạn