Đóng góp ý kiến cho dự thảo luật này, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho rằng, qua nghiên cứu dự thảo, quy định liên quan đến giá dịch vụ y tế rất mờ nhạt, gần như không có. Đại biểu nhận định, giá là vấn đề phức tạp nhất. Đại biểu nhấn mạnh thêm, công tác đầu thầu, giá là đích đến cuối cùng của mọi cuộc thương thảo.
Vị đại biểu Đoàn TP. Hà Nội cho rằng, giá dịch vụ y tế lại quá phức tạp bởi có nhiều loại hình, hạng mục, chủng loại như giá có tự chủ, giá không tự chủ, giá có xã hội hóa, giá không xã hội hóa. Ngoài ra, giá dịch vụ thầy thuốc là bác sỹ, tiến sỹ, phó giáo sư, giáo sư cũng khác nhau; giá dịch vụ thầy thuốc trong nước với nước ngoài cũng khác nhau. Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế trong khám bệnh, chữa bệnh từ xa cũng khác với khám, chữa bệnh trực tiếp…
Theo đại biểu, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) mà Quốc hội vừa thông qua là thành công rất lớn, đã tháo gỡ được nhiều vấn đề.
Liên quan đến giá dịch vụ y tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói thêm, rất nhiều lần trong quá trình soạn thảo bị "vướng", khi cử tri hỏi thì chúng ta nói rằng vấn đề này sẽ được sửa đổi trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi). Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách ngày 5/4 đã có một số Điều từ 51 đến 54 đã khá tốt. Nếu sửa thêm một số điểm thì coi như ổn nhưng giá lại chưa được đề cập.
"Giá là thành tố rất quan trọng để quyết định việc tự chủ bệnh viện công nhằm hạn chế việc tư nhân hóa bệnh viện công. Khi một bệnh viện tự chủ, đặc biệt là tự chủ toàn diện thì có 2 điều phải hết sức quan tâm đó là, giá giường phục vụ bệnh nhân được BHYT chi trả khác với giá giường dịch vụ; có bao nhiêu giường được phép chuyển sang dịch vụ", ĐBQH Nguyễn Anh Trí nói.
Từ các ý kiến nêu trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cần có một số điều đề cập đến giá dịch vụ y tế để làm cơ sở xây dựng các thông tư về giá dịch vụ y tế, thuốc, vật tư y tế…