Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên nguy cơ vỡ tiến độ

20-10-2024 08:27 | Xã hội
google news

SKĐS - Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định giải quyết dứt điểm tồn tại, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên.

Bộ GTVT nói gì trước phản ánh phân luồng giao thông cao tốc khiến quốc lộ xảy ra nhiều vụ TNGT?Bộ GTVT nói gì trước phản ánh phân luồng giao thông cao tốc khiến quốc lộ xảy ra nhiều vụ TNGT?

SKĐS - Người dân tỉnh Quảng Trị cho rằng việc phân luồng giao thông cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua quốc lộ 1A là chưa hợp lý, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, vốn vay WB được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 710/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 với tổng chiều dài là 143,6km (địa phận tỉnh Bình Định 17km, tỉnh Gia Lai 126,6km), vốn vay WB, Hiệp định vay vốn đã được gia hạn lần 1 và sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024.

Dự án thi công từ tháng 6/2021, đến nay đã hoàn thành 7/8 gói thầu, khối lượng còn lại tập trung tại gói thầu XL01 trên địa bàn Bình Định. Thời gian thực hiện dự án còn lại khoảng 2 tháng, Bộ GTVT đang chỉ đạo chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án 2), nhà thầu tập trung thi công để hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 12/2024 (trước khi hết hạn Hiệp định vay).

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban QLDA 2, đến nay vẫn còn một số hộ dân chưa đồng thuận cho thi công, cụ thể: Tại vị trí đường đầu cầu Bầu Sen, cầu Ba La và một số vị trí trên tuyến (Km52+460 - Km52+487, Km52+500 - Km52+514, Km56+00 - Km56+080),...

Việc chậm trễ trong giải quyết các tồn tại nêu trên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành trong năm 2024 của dự án; đặc biệt là đối với đường đầu cầu Ba La, Bầu Sen nếu không hoàn thành sẽ ảnh hưởng tới an toàn giao thông trong quá trình khai thác và đời sống sinh hoạt của các hộ dân.

Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên nguy cơ vỡ tiến độ- Ảnh 2.

Nếu dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên không thể hoàn thành đúng tiến độ trong năm 2024, Bộ GTVT sẽ bàn giao nguyên trạng các vị trí chưa hoàn thiện và báo cáo Chính phủ.

Theo Bộ GTVT, đây là dự án ODA, sử dụng nguồn vốn vay WB, Hiệp định vay vốn sẽ hết hạn ngày 31/12/2024 và không thể tiếp tục gia hạn. Trường hợp sau khi kết thúc Hiệp định vay, dự án chưa hoàn thành sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ với Nhà tài trợ, trong khi thời gian tới Chính phủ đang cần huy động nguồn lực từ các nhà tài trợ ODA để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, trong đó có Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam,…

Để dự án hoàn thành theo đúng tiến độ yêu cầu, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Định quan tâm, quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc nêu trên, bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án trước ngày 15/11/2024 để triển khai thi công hoàn thành dự án trước khi Hiệp định vay hết hạn.

Về công tác bồi thường, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng do rung chấn trong quá trình thi công, Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị bảo hiểm khẩn trương thực hiện công tác chi trả, bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm.

Bên cạnh đó phải hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng ngay sau khi hoàn thành gói thầu, dự án, tránh để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện lâu dài, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Trong trường hợp đến ngày 15/11/2024, địa phương không thể bàn giao toàn bộ mặt bằng để thi công, Bộ GTVT sẽ xem xét khoanh vùng, xác định các vị trí điểm dừng kỹ thuật và bàn giao nguyên trạng các vị trí còn vướng mặt bằng cho địa phương quản lý để đầu tư hoàn thiện khi địa phương bố trí được nguồn kinh phí.

Đồng thời, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các nguyên nhân tồn tại của dự án để rút kinh nghiệm khi xem xét khi đầu tư các công trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh.

Xem thêm video được quan tâm:

Thông xe dự án giao thông 1.200 tỷ tại Long Biên, Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.


Thành Long
Ý kiến của bạn