Dưới đây là một số ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống:
Tại quyết định phê duyệt dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, Hà Nội dự kiến khởi công năm 2006 để hoàn thành năm 2010. Nhưng sau nhiều lần điều chỉnh và lỡ hẹn, năm 2019, Hà Nội quyết định tách phần trên cao khai thác trước vào cuối năm 2021, đoạn đi ngầm hoàn thành cuối năm 2022. Tới nay, mốc hoàn thành tiếp tục lùi lần lượt tới cuối năm 2022 và cuối năm 2023.
Đến nay dự án vẫn ì ạch và chưa có dấu hiệu cán đích. Ghi nhận trong những ngày gần đây tại các khu vực thi công các ga ngầm hầu hết chỉ còn bảo vệ trông coi, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị phủ bạt và không có công nhân thi công.
Phơi sương phơi nắng thời gian dài, nhiều hạng mục của các công trình này đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, gỉ sét.
Nhiều nơi tại công trường, cỏ dại mọc um tùm vượt quá đầu người.
Tại công trường ga S11 gần khu vực Văn Miếu , rào chắn được lập nên một cách tạm bợ, bên trong nhiều phế liệu ngổn ngang, cây cỏ mọc “tươi tốt” và không có nhân công hoạt động.
Nhiều hộ dân tại đây bức xúc bị nứt nhà do tác động thi công từ công trình và nhiều người khác chưa thể xây nhà dù nơi ở đã xuống cấp.
Việc chậm tiến độ của dự án khiến thời gian thi công kéo dài hơn so với dự kiến. Điều này kéo theo vấn đề hệ luỵ như môi trường, giao thông đô thị và những người dân sinh sống gần khu vực dự án.
Phía bên ngoài bị quây kín bằng tôn và rào sắt gây khó khăn trong việc giao thông mỗi giờ cao điểm. Nhiều đoạn đường có công trường của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội thường xuyên diễn ra tình trạng tắc đường.
Một số điểm thi công công trình nằm ngay trên các trục giao thông quan trọng với lượng phương tiện đông đúc khiến tình trạng ùn tắc , lộn xộn diễn ra trong thời gian dài.
Đặc biệt tại khu vực phố Núi Trúc - Kim Mã (quận Ba Đình), hai bên phần đường bị rào chắn công trình xâm lấn tạo thành nút thắt cổ chai khiến các phương tiện tham gia giao thông gặp khó khi di chuyển trong suốt nhiều năm nay.
Nhiều nơi trở thành thành bãi đỗ xe
Thậm chí việc rào chắn còn tạo ra những chỗ khuất… khiến nhà thầu phải treo các biển cảnh báo về vấn đề vệ sinh nơi công cộng.
Việc chủ đầu tư chậm hoàn trả mặt đường cũng khiến nhiều nơi mặt đường trở nên nham nhở, nhếch nhác, đọng nước, nhiều ổ gà…
Một người dân có nhà mặt đường khu vực ga số 9, đường Kim Mã (Ngọc Khánh, Ba Đình) bức xúc: "Tình trạng rào chắn khiến phần đường lưu thông bị thu hẹp lại như vậy diễn ra hơn 2 năm nay đã làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi không thể kinh doanh được và cho thuê nhà cũng không ai thuê…".
Theo tìm hiểu, vấn đề giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng chậm tiến độ nói trên. Hiện các nhà thầu đã tạm dừng thi công nên chưa biết bao giờ Dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội mới có thể cán đích. Ảnh chụp tại ga S12.
Tình trạng chậm tiến độ của dự án nói trên đã diễn ra trong nhiều năm qua. Điều này không chỉ làm bộ mặt Thủ đô trở nên nhếch nhác, giao thông, môi trường bị ảnh hưởng mà còn khiến người dân bức xúc, đặc biệt nhưng người bị ảnh hưởng trực tiếp từ công trình.