Dự án dở dang ở Công viên Rồng Biển (Hải Phòng): Rồng không... ra biển

09-09-2008 14:05 | Thời sự
google news

Dự án Công viên Rồng Biển có tổng diện tích gần 17.000m2 tại dải trung tâm thành phố Hải Phòng được khởi công năm 2002, hứa hẹn một điểm vui chơi giải trí nhất nhì miền Bắc. 6 năm sau ngày khởi công, hiện thực của dự án ấy là những công trình dở dang và vô số các hạng mục vi phạm quy hoạch.

Dự án Công viên Rồng Biển có tổng diện tích gần 17.000m2 tại dải trung tâm thành phố Hải Phòng được khởi công năm 2002, hứa hẹn một điểm vui chơi giải trí nhất nhì miền Bắc. 6 năm sau ngày khởi công, hiện thực của dự án ấy là những công trình dở dang và vô số các hạng mục vi phạm quy hoạch.

Khu đất bỏ hoang của Dự án Công viên Rồng biển.
 
Công ty cổ phần Du lịch (CTDL) Hải Long được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cấp giấy phép chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0203000042 ngày 23/2/2001 với ngành nghề kinh doanh dịch vụ, du lịch, thể thao, vui chơi giải trí, kinh doanh thương mại, vận tải hành khách và hàng hóa. Ngày 18/4/2002, hồ sơ dự án khả thi của CTDL Hải Long xin chấp thuận đầu tư xây dựng Công viên Rồng Biển đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu và báo cáo UBND thành phố Hải Phòng. Ngày 20/5/2002, UBND thành phố Hải Phòng chấp thuận Dự án Đầu tư xây dựng tại Thông báo số 275/TB-UB.

Ngày 28/10/2002, UBND thành phố Hải Phòng có Quyết định số 2630/QĐ-UB thu hồi gần 17.000m2 đất tại phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, có vị thế đắc địa 3 mặt đường lớn tại dải trung tâm thành phố của khu vực sân vận động cảng thuộc Sở Thể dục thể thao, Công ty công viên đang quản lý giao cho CTDL Hải Long giải phóng mặt bằng thi công xây dựng Công viên Rồng Biển. Dù là mảnh đất "vàng" với địa hình 3 mặt tiền đẹp như vậy nhưng khi thu hồi để giao CTDL Hải Long xây dựng dự án khu vui chơi giải trí, người dân thành phố Cảng đồng tình ủng hộ. Theo quy hoạch mặt bằng tổng thể, công viên này gồm các hạng mục công trình: Nhà Bowling 5 tầng, nhà trò chơi thiếu nhi, nhà dịch vụ cổng chính, nhà hàng ăn nhanh, các ki-ốt bán hàng lưu niệm, tiểu cảnh đầu rồng và đuôi rồng, trò chơi đu quay, trò chơi thảm bay, tàu phóng vũ trụ, tàu cao tốc, bãi đỗ xe...

Ngày 4/8/2004, CTDL Hải Long được đổi tên thành Công ty cổ phần PG Rồng Biển do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cấp giấy phép chứng nhận đăng ký kinh doanh đổi tên doanh nghiệp. Sau một thời gian xây dựng, Công viên Rồng Biển với tổng số vốn đầu tư lên đến 52 tỷ đồng đã được chủ đầu tư khánh thành đưa vào sử dụng. Nhưng khi dự án này đi vào hoạt động, ban đầu, vì tò mò người dân cũng đổ xô mua vé vào cổng. Rồi chuyện gì đến đã đến, lượng khách đến với Công viên Rồng Biển ngày một thưa dần. Cả khu vui chơi giải trí ấy chỉ vẻn vẹn chưa đầy 2 ha. Đã vậy, thiết bị thường xuyên bị hỏng hóc, chi phí bảo dưỡng và điện năng tiêu thụ lớn dẫn đến giá thành cao. Bên cạnh đó, nhiều hạng mục còn chưa hoàn thiện. Thậm chí tòa nhà Bowling 5 tầng và trò chơi thảm bay còn chưa thi công. Vậy là sau một thời gian hoạt động ngắn ngủi, Công viên Rồng Biển cứ "đắp chiếu" như vậy.

 Nhiều hạng mục Công viên Rồng Biển đã đưa vào khai thác sử dụng kém hiệu quả.
 
Cho đến nay, dự án xây dựng Công viên Rồng Biển còn thực hiện dở dang, các hạng mục đã đưa vào khai thác sử dụng kém hiệu quả, không khai thác được các dịch vụ vui chơi giải trí, kinh doanh thua lỗ dẫn đến chủ đầu tư đã vi phạm trong việc sử dụng đất và kinh doanh sai mục đích. Diện tích đất đang sử dụng đúng mục đích chỉ đạt... 6,8%; lãng phí không hiệu quả một lượng đất lên đến 14.192m2 hiện tại không khai thác sử dụng. Do không khai thác được các dịch vụ vui chơi giải trí, Công ty cổ phần PG Rồng Biển đã cho Công ty Samnec thuê 1.488m2 diện tích nhà trò chơi trẻ em làm siêu thị điện tử, điện lạnh; chuyển mục đích sử dụng 3/7 ki-ốt từ dịch vụ sang... sản xuất bia. Sau 6 năm đi vào hoạt động, Công ty thua lỗ 9,4 tỷ đồng, nợ thuế hơn 800 triệu đồng.

Đến nay, Sở Xây dựng Hải Phòng đã đề nghị UBND thành phố thu hồi đất đối với Công viên Rồng Biển, nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng các bước của dự án. Mới đây nhất, cơ quan chức năng cũng đã kiến nghị UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo yêu cầu Công ty cổ phần PG Rồng Biển đưa các công trình vào sử dụng đúng mục đích, đúng quy hoạch đã phê duyệt. Trong thời hạn 6 tháng, nếu công ty không thực hiện đúng thì xử lý thu hồi đất theo quy định; hủy bỏ giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư số 2318/GCN/UB ngày 22/5/2002 của UBND thành phố Hải Phòng cấp cho Công ty cổ phần PG Rồng Biển.

Trên thực tế, Dự án Công viên Rồng Biển đã là thất bại về ý định đầu tư, về quy hoạch, đồng thời là thất bại về đầu tư và kinh doanh do năng lực của doanh nghiệp về vốn đầu tư, về quy hoạch quá yếu kém. Qua đó cũng là bài học rút kinh nghiệm cho các cơ quan cấp phép đầu tư cho các dự án tại Hải Phòng cần có sự thẩm định kỹ càng về năng lực cũng như giám sát doanh nghiệp chặt chẽ trong quá trình thực hiện dự án.

Hoàng Duy


Ý kiến của bạn