Còn theo Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM thì học sinh tiểu học đang gặp phải những vấn đề về dinh dưỡng như thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng; thiếu vi chất như iốt, sắt, vitamin A và có thói quen dinh dưỡng không hợp lý, thích ăn nhiều chất đạm, béo, ít ăn rau, trái cây. Hiện nay, nhiều bữa ăn bán trú ở cấp tiểu học TP.HCM chưa đa dạng, thường chỉ có cơm, món mặn, canh.
Trước thực trạng đó, dự án bữa ăn học đường được ra đời nhằm góp phần cải thiện chế độ dinh dưỡng, nâng cao nhận thức, tầm vóc và thể lực của học sinh tiểu học bán trú tại TP.HCM. Dự án Bữa ăn học đường bao gồm 3 nội dung: Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý thông qua việc cải tiến bộ thực đơn chuẩn cân bằng dinh dưỡng giúp học sinh phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần; Giáo dục ý thức cho học sinh về dinh dưỡng thông qua chương trình “Ba phút thay đổi nhận thức”; và Chuẩn hóa mô hình bếp ăn và khu vực ăn uống kết hợp với việc giáo dục ý thức tự phục vụ của học sinh. Được biết, Công ty Ajinomoto Việt Nam là đơn vị khởi xướng dự án đầu tiên tại TP.HCM và cũng là đơn vị chịu trách nhiệm về mặt kinh phí cho việc thực hiện dự án này.
Trong hơn một năm kể từ ngày giới thiệu dự án, ngày 20 tháng 8 năm 2013 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, Trung tâm Dinh Dưỡng TP.HCM cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giới thiệu bộ thực đơn với 40 món ăn và bộ minh họa thực phẩm giáo dục kiến thức dinh dưỡng dành cho học sinh tiểu học bán trú tại TP.HCM. Việc xây dựng bộ thực đơn chuẩn nhằm đáp ứng yếu tố cân bằng dinh dưỡng và ngon miệng đối với các học sinh tiểu học bán trú, do phần lớn các trường đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc lên một thực đơn đa dạng, phong phú, ngon miệng và đặc biệt là đảm bảo cân bằng tỉ lệ các chất dinh dưỡng.
Để thực hiện dự án này thành công, Công ty Ajinomoto Việt Nam cùng các đơn vị có liên quan đã hoàn thiện bộ 40 thực đơn bữa trưa cho các trường tiểu học bán trú và tiến hành thực nghiệm nhiều lần tại nhiều trường khác nhau để ghi nhận ý kiến đóng góp của chính các học sinh và các cán bộ có liên quan từ bếp trưởng đến giáo viên, bảo mẫu nhằm làm cho thực đơn gần hơn và sâu sát hơn với thực tiễn. Về mặt dinh dưỡng, bộ thực đơn sẽ cung cấp từ 40 đến 50% nhu cầu năng lượng, chất dinh dưỡng cho học sinh trong ngày. Việc áp dụng bộ thực đơn này không chỉ giúp mang lại những bữa ăn học đường có chất lượng đồng bộ cho học sinh tiểu học trên toàn địa bàn TP.HCM, từ đó góp phần đáng kể trong việc cải thiện chế độ dinh dưỡng, phòng chống suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì mà còn giúp giải phóng gánh nặng cho các trường bán trú trong việc thiết lập thực đơn ngon miệng và cân bằng về dinh dưỡng.
Dự án được triển khai thành công cũng là nhờ nhận được sự quan tâm sâu sắc trong chỉ đạo thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc triển khai dự án của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng như những đóng góp chuyên môn của lãnh đạo và cán bộ Trung Tâm Dinh dưỡng TP.HCM.
Có thể nói đây là một mô hình cùng thực hiện và sẻ chia trách nhiệm xã hội vô cùng mới mẻ tại Việt Nam, trong đó, các cơ quan nhà nước có thể tận dụng không chỉ nguồn kinh phí mà còn có thể khai thác tối đa thế mạnh của các doanh nghiệp từ nguồn nhân lực, chất xám, trí tuệ của các doanh nghiệp một cách tối đa nhằm phục vụ chung cho cộng đồng và xã hội.