Theo số liệu báo cáo 3 tháng vận hành xe buýt nhanh (BRT), mức bình quân chỉ đạt 42,4 hành khách/lượt trong khi thiết kế xe có thể chở tối đa cùng lúc 90 khách, thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế. Theo chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực BRT thì sau thời gian triển khai, BRT ở Hà Nội đã thất bại. Nguyên nhân là do nhà chờ xa, khó tiếp cận, khiến cho năng lực yếu, công suất thấp...
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, thậm chí BRT Hà Nội có thu hút khách thì cũng thất bại vì năng lực thiết kế của BRT là quá thấp và hệ thống không thu hút, mà chỉ có một tỷ trọng rất nhỏ trong nhu cầu tương lai sẽ được cung cấp bởi BRT.
Từ đó, có thể thấy ngay rằng hiệu suất sử dụng BRT Hà Nội khá thấp, trong khi BRT lại chiếm diện tích mặt đường khá nhiều. Đặc biệt, tốc độ BRT chạy trung bình gần 20km/giờ, không nhanh hơn xe buýt thường là bao, trong khi loại xe này một mình một đường rộng thênh thang, còn tất cả các loại xe khác chen chúc nhau ở làn đường còn lại. Đây là nguyên nhân làm cho tình trạng ùn tắc giao thông càng nghiêm trọng hơn. Để giải quyết tình trạng này, Chủ tịch UBND Hà Nội còn yêu cầu cho xe buýt thường chạy vào làn đường dành cho BRT để hạn chế lãng phí! Như vậy, rõ ràng dự án triển khai BRT ở Hà Nội đã không đạt hiệu quả mong muốn.
Tình trạng lộn xộn, vi phạm quy định phân luồng giao thông trên tuyến BRT xuất hiện liên tục.
Vậy câu hỏi đặt ra là ai phải chịu trách nhiệm và giải pháp tiếp theo của BRT Hà Nội là gì? Được biết, BRT Hà Nội được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và có nhiều ưu tiên, ưu đãi trong việc đầu tư xây dựng BRT nhưng dự án này vẫn đội vốn, đẩy chi phí lên cao.
Ngay từ đầu khi dự án BRT mới manh nha, có nhiều ý kiến phản đối việc triển khai dự án, các chuyên gia giao thông thì cho rằng không khả thi, còn người dân thì không đồng ý vì BRT chiếm quá nhiều diện tích, nghênh ngang... Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân có liên quan không mấy quan tâm, lưu ý mà vẫn cứ triển khai dự án theo kiểu “làm lấy được”.
Để giảm thiểu thiệt hại, trước hết các cơ quan chức năng cần sớm dừng ngay các dự án tương tự sắp triển khai và đang triển khai tại Hà Nội và TP.HCM để tránh thiệt hại, lãng phí thêm nữa. Tiếp đó, cần thanh tra, kiểm tra để làm rõ liệu có lợi ích nhóm, có thất thoát trong việc thực hiện dự án BRT này hay không? Đặc biệt cần làm rõ tại sao chỉ 14,7km mà tốn tới cả nghìn tỷ và giá mỗi xe buýt BRT lên tới hơn 5 tỷ đồng/chiếc có hợp lý hay không?
Thiết nghĩ, một dự án bị nhiều ý kiến phản đối, thậm chí nhiều chuyên gia cho rằng chắc chắn sẽ thất bại nhưng người trong cuộc vẫn cố làm thì nhất định phải xem xét trách nhiệm của họ. Trách nhiệm chính ở đây trước hết thuộc về lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Trường hợp do vô ý, sai sót trong nghiệp vụ, đánh giá chưa sát thực tế thì cần chấn chỉnh, kiểm điểm, rút ra bài học kinh nghiệm trong quản lý, điều hành đối với những dự án, chương trình về sau. Nếu phát hiện có lợi ích nhóm, trục lợi cá nhân thì phải xử lý nghiêm, tuyệt đối không nên bao che, dung túng hoặc coi đó là rủi ro khách quan tạo tiền lệ xấu cho các trường hợp tương tự về sau.