Dự án Bệnh viện nhi thanh hóa chậm tiến độ: Bác sĩ vất vả, bệnh nhân thiệt thòi

22-11-2008 08:06 | Thời sự
google news

Từ tháng 9/2007, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động, đón tiếp bệnh nhân đến khám và điều trị.

Từ tháng 9/2007, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động, đón tiếp bệnh nhân đến khám và điều trị. Ngay sau khi tiếp nhận cơ sở vật chất mới, bệnh viện đã xây dựng được đội ngũ cán bộ năng động, nhiệt tình, tâm huyết, hầu hết các bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên đều được bệnh viện gửi đi đào tạo ngắn hạn tại Bệnh viện Nhi, BVĐK tỉnh và các bệnh viện tuyến Trung ương trước khi nhận công tác. Ngoài ra, tất cả bác sĩ, điều dưỡng viên đều được tập huấn về cấp cứu nhi khoa cơ bản và nâng cao...

Sau gần một năm đi vào hoạt động, bệnh viện đã tổ chức tốt công tác tiếp đón, khám cấp cứu và điều trị cho hàng chục ngàn bệnh nhân, đã triển khai nhiều kỹ thuật mới trong lĩnh vực nhi khoa. Đặc biệt, bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật điều trị nhiều loại bệnh mà từ trước tới nay phải chuyển tuyến Trung ương như: sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng tiết niệu, hẹp điểm nối bể thận niệu quản, u nang ống mật chủ, tạo hình sẹo bỏng co rút ngón tay, dị tật bàn chân khoèo, não úng thủy, tim bẩm sinh còn ống động mạch, phình đại tràng bẩm sinh 1 thì, phẫu thuật thoát vị cơ hoành bẩm sinh, không hậu môn, teo ruột, teo tá tràng cho trẻ sơ sinh chỉ vài ngày tuổi bị dị tật..., số bệnh nhân phải chuyển tuyến Trung ương chỉ còn 1/4 so với trước khi bệnh viện đi vào hoạt động.

 Sau nhiều năm xây dựng, công trình vẫn dở dang. Ảnh: TM
Khó khăn chồng chất

Tuy nhiên, khó khăn vẫn đang chồng chất đối với Bệnh viện Nhi Thanh Hoá. Trước hết đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị của bệnh viện không đủ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày một đông, nhất là khi bệnh nhân cần sử dụng kỹ thuật cao như chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ bệnh viện phải hợp đồng với BVĐK tỉnh để thực hiện, khi đưa bệnh nhân đi cần phải có bác sĩ gây mê, hồi sức cấp cứu, điều dưỡng viên chăm sóc rất tốn kém, không chủ động và nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Tỉnh Thanh Hóa có gần 1,5 triệu trẻ em, nhưng với quy mô 200 giường bệnh, hiện nay công suất sử dụng giường bệnh tại bệnh viện đạt tới gần 200%. Đặc biệt trong thời điểm thời tiết thay đổi diễn biến phức tạp, bệnh nhân đến bệnh viện đông dẫn đến tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh. Tiếp đó là sự phối hợp giữa ban quản lý dự án, các ngành liên quan chưa thực sự nhịp nhàng làm cho tiến độ xây dựng bệnh viện chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch và yêu cầu đặt ra... Theo kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng bệnh viện được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ 2002 - 2005) quy mô 200 giường, giai đoạn 2 (2006-2010) hoàn chỉnh quy mô là BVĐK nhi hạng 1 với quy mô 500 giường bệnh, bao gồm 8 hạng mục công trình: khu khám bệnh, hành chính, dược, điều trị ngoại trú (7 tầng); khu xét nghiệm, phòng mổ, chẩn đoán hình ảnh (6 tầng); khu điều trị nội trú giai đoạn 1 (8 tầng); khu điều trị nội trú giai đoạn 2 (11 tầng); Khoa truyền nhiễm (2 tầng); Khoa giải phẫu bệnh lý (2 tầng); Khoa dinh dưỡng, nhà khách (4 tầng); nhà xe, hệ thống điện... Nhưng hiện nay tất cả các hạng mục công trình đều triển khai xây dựng nhưng còn quá chậm so với tiến độ và quy mô đã được phê duyệt. Hiện nay, mới chỉ có khu khám bệnh, hành chính, dược, điều trị ngoại trú (hạng mục 1) đã đưa vào sử dụng; bằng nguồn vốn của cán bộ, nhân viên bệnh viện mới đầu tư được khu nhà ăn (1 tầng) chỉ đáp ứng được hơn 30% nhu cầu phục vụ người bệnh; khu xử lý nước thải đang được thi công (do khi xây dựng bệnh viện chưa có đánh giá tác động môi trường, hệ thống xử lý rác thải rắn, lỏng chưa xây dựng); hệ thống tường rào chưa giải tỏa xong, ảnh hưởng đến an ninh trật tự; khuôn viên bệnh viện chưa được quy củ; khu xét nghiệm, phòng mổ, chẩn đoán hình ảnh (hạng mục 2), theo tiến độ đến tháng 5/2008 sẽ hoàn thành nhưng hiện nay mới nghiệm thu kỹ thuật, do nhu cầu bức thiết bệnh viện vẫn phải đưa vào sử dụng cùng với quá trình hoàn thiện của nhà thầu... ảnh hưởng rất lớn đến công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân.

Để cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động của bệnh viện, cần nhanh chóng hoàn thiện hạng mục 2; khẩn trương khởi công xây dựng hạng mục 3; tăng cường bổ sung các trang thiết bị dụng cụ y tế (hiện tại trang thiết bị mới chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu) như máy CT Scanner, hệ thống xét nghiệm Eliza; nâng chỉ tiêu giường bệnh kế hoạch từ 200 giường lên 300 giường trong năm 2008 để bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của trẻ em trong tỉnh và một số tỉnh lân cận, tiến tới đạt quy mô 500 giường bệnh theo định hướng của tỉnh vào năm 2010.

Tô Đồng


Ý kiến của bạn