Sau 56 năm dường như im hơi lặng tiếng, mới đây, một triển lãm tranh kiếng đã được mở cửa tại chùa Xá Lợi (TP.HCM). Dường như dư âm và cái duyên của dòng tranh dân gian này với người bình dân Nam bộ vẫn còn vương vấn và hễ nhắc tới tranh kiếng, những người từng trải qua tuổi thơ ở những nếp nhà Nam bộ những năm của thế kỷ 20 vẫn còn luyến nhớ.
Tranh kiếng trong văn hóa Nam bộ
Từ một dòng tranh có xuất xứ từ Quảng Đông, Trung Quốc, tranh kiếng (kính, gương) đã được thuần Việt hóa từ chủ đề cho tới kỹ thuật, trở thành một nét văn hóa đặc trưng ở Nam bộ đầu thế kỷ 20. Ở bất cứ không gian nào của 100 năm về trước, đình, chùa, đền, miếu, các gia đình, hàng quán... đều xuất hiện những bức tranh kiếng phù hợp với cách nhìn, thuần phong mỹ tục của từng địa phương. Tranh kiếng từng bước trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người bình dân Chợ Lớn, Lái Thiêu (Bình Dương), Mỹ Tho, Cai Lậy, Gò Công (Tiền Giang), Chợ Mới (An Giang), Khmer Trà Vinh (Sóc Trăng)...
Được sử dụng trước bàn thờ thờ cúng tổ tiên, trang trí nhà cửa, nhất là cửa buồng, chúc tụng, những bức tranh kiếng được ưa chuộng từ thế kỷ trước là bức Diện Nhiên đại sĩ (tranh kiếng Chợ Lớn), Bồ Đề đạt ma (tranh kiếng Chợ Lớn), Tùng Hạc (tranh kiếng xà cừ Gò Công), Liên hoa ngư, tranh thờ Phật, Bồ Tát, Thánh Mẫu, Ngọc Hoàng, ông Táo... Cũng trong ký ức của những cụ ông cụ bà sinh trưởng ở làng quê Nam bộ thế kỷ trước, những bức tranh kiếng họa lại cảnh sinh hoạt nông thôn dân dã, những bức tranh có ý nghĩa Phước (Phúc), Lộc, Thọ, tranh chim công (đại cát), nai (lộc) là một phần không thể thiếu trong các gia đình, đặc biệt là vào dịp Tết đến xuân về. Tranh kiếng cũng xuất hiện trong các dịp chúc tụng trọng đại (tân gia, khai trương, mừng thọ, tân hôn...).
Với kỹ thuật vẽ ngược vào mặt sau tấm kiếng bằng bột màu trộn với dầu cây du đồng (ngô đồng), trở mặt bên kia sẽ có một bức tranh với màu sắc sáng bóng, ưng ý, đã có những thời điểm tranh kiếng vẽ ra không kịp nhu cầu của người mua. Tuy nhiên, số lượng họa sĩ vẽ tranh kiếng thực tài ở Nam bộ không nhiều, trong đó có thể nhắc tới họa sĩ Vạn Huê, nghệ nhân Nguyễn Văn Nhựt, nghệ nhân Mã Thị Dương. Những nghệ nhân này biết cách điều chỉnh chủ đề tranh kiếng sao cho phù hợp với nhiều tọa độ văn hóa - tín ngưỡng để nhìn vào đó, người bình dân có thể hình dung ra được nét văn hóa đặc trưng của nhiều vùng miền khác nhau.
Dư âm và sức sống của một dòng tranh dân gian
Nhân mùa Vu lan 2013, từ ngày 18 - 21/8, một triển lãm tranh kiếng Nam bộ đã diễn ra tại chùa Xá Lợi (TP.HCM). Khoảng 100 tác phẩm tiêu biểu từ bộ sưu tập 1.600 sản phẩm tranh kiếng Nam bộ thuộc nhiều chủng loại đã được giới thiệu tới công chúng trong triển lãm này. Như vậy, kể từ cuộc triển lãm tranh kiếng gần đây nhất của họa sĩ Vạn Huê diễn ra vào năm 1957 tại Phòng Thông tin Đô Thành (góc đường Catina – Bônna, nay là đường Đồng Khởi – Lê Lợi) đến nay mới lại có một triển lãm về dòng tranh dân gian độc đáo này. Những nhà sưu tập tranh kiếng uy tín như Lý Lược Tam, Nguyễn Anh Kiệt, Nguyễn Đại Phúc, Huỳnh Duy Thiết, Huỳnh Thanh Bình... là những người khởi xướng triển lãm tranh kiếng với nhiều bức giá trị như tranh thờ, tranh cửa buồng theo phong cách dòng tranh kiếng An Giang, 24 vị chư thiên thuộc dòng tranh sơn thủy Chợ Lớn, tranh gà nhũ bạc của Lái Thiêu..., đặc biệt có một góc trưng bày tác phẩm tranh kiếng nghệ thuật (artglass, có nguồn gốc từ thế kỷ 4 tại Roma).
Triển lãm tranh kiếng đã gián tiếp khẳng định sức sống của dòng tranh kiếng thuần Việt vẫn âm ỉ tồn tại trong lịch sử của đất nước. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng dù ngày nay, tranh kiếng vẫn được bày bán trong những dịp lễ Tết quan trọng ở Tây Nam bộ nhưng không còn không khí nhộn nhịp như ngày xưa. Một làng nghề tranh kiếng khá nổi tiếng là làng tranh kiếng cù lao Ông Chưởng ở xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang vốn thời xa xưa nổi tiếng cả làng làm tranh kiếng bán, nay càng thưa hiếm nghệ nhân làm tranh kiếng do thị phần thu hẹp và thị hiếu của người dân với tranh kiếng ngày càng có xu hướng hờ hững.
Triển lãm và sự quan tâm đối với dòng tranh kiếng càng củng cố thêm giá trị của dòng tranh này trong đời sống của người bình dân Việt Nam. Điều mà những nhà sưu tập, người nghiên cứu chuyên sâu và nhất là nghệ sĩ tranh kiếng cần làm là phục hưng lại dòng tranh từng có một quá khứ huy hoàng. Để làm được điều này cần có sự sáng tạo uyển chuyển trong chủ đề, màu sắc để tranh kiếng trở nên phù hợp với mỹ cảm trang trí của người dân hiện đại mà vẫn không đánh mất bản sắc gần với cội nguồn dân tộc. Đó là một nhiệm vụ tưởng dễ nhưng lại đòi hỏi một sự nỗ lực rất lớn của những người còn nguyên vẹn tình yêu với dòng tranh dân gian độc đáo của Nam bộ.
Diệu Quỳnh