Bên cạnh niềm vui giải thưởng, qua Liên hoan lần này, sân khấu thử nghiệm nước nhà còn đó khoảng lặng khiến giới trong nghề và khán giả cảm thấy âu lo.
Bội thu giải thưởng
Là ngày hội của các đơn vị nghệ thuật sân khấu thử nghiệm trong nước và quốc tế diễn ra 3 năm/lần, Liên hoan lần thứ IV - 2019 vừa qua có những bước tiến đáng kể. Theo NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Liên hoan năm nay có sự gia tăng về số lượng các vở diễn và các quốc gia đăng ký tham dự với 7 vở diễn của đoàn quốc tế (Hungary, Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp, Hàn Quốc, Singapore, Isarel) và 14 đơn vị nghệ thuật trong nước. Sự kiện này đã tạo ra sân chơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy văn hóa nghệ thuật phát triển vì một nền sân khấu Đổi mới - Hội nhập và Phát triển.
Với 14 vở diễn tham dự Liên hoan của các đoàn nghệ thuật Việt Nam, chúng ta có 5 tác phẩm được trao huy chương vàng và bạc. Đây đều là những vở diễn thử nghiệm có tính sáng tạo của các nghệ sĩ Việt, trong đó huy chương vàng có Thân phận nàng Kiều (Nhà hát Múa rối Việt Nam), Sự sống (Nhà hát kịch Việt Nam), Cậu Vanya (Nhà hát Tuổi Trẻ). Huy chương bạc xướng tên 2 vở diễn Dưới cát là nước (Nhà hát Thế giới trẻ) và Ngàn năm mây trắng (Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam). Ngoài ra, giải Đạo diễn xuất sắc thuộc về NSND Nguyễn Tiến Dũng (vở Thân phận nàng Kiều), họa sĩ tạo hình xuất sắc Lê Đình Nguyên (Nhà hát Múa rối Việt Nam), tác giả triển vọng NSƯT Quế Anh (vở Niềm khát của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai), NSƯT Thu Trang giành Huy chương Vàng với vai diễn nàng Tô Thị trong vở Ngàn năm mây trắng.
Cậu Vanya (Nhà hát Tuổi Trẻ) - vở diễn giành Huy chương Vàng tại Liên hoan vừa qua.
Theo đánh giá của NSND Trần Minh Ngọc - Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan, từ góc nhìn thử nghiệm, sân khấu Việt Nam có đội ngũ diễn viên có tài, có kỹ năng và khát vọng diễn, đủ sức thực hiện mọi yêu cầu của đạo diễn. Điều này có thể thấy được ở các diễn viên trẻ được đào tạo chính quy của Nhà hát Kịch Việt Nam, của Trường Sân khấu Điện ảnh (nhóm Lực Team)...Họ là nguồn lực thực hiện các vở diễn thử nghiệm trong tương lai. Ngoài ra, các tác giả, đạo diễn cũng đã thể hiện sự nỗ lực khám phá và tìm tòi các phong cách thể hiện sân khấu mới nhằm tạo ra những sự đột phá và tính thử nghiệm cao trong sáng tạo nghệ thuật sân khấu.
Khoảng lặng
Liên hoan vừa qua đã thành công tốt đẹp và để lại những ấn tượng sâu sắc với các nghệ sĩ quốc tế, khán giả đến thưởng thức các vở diễn. Tuy nhiên, từ sự kiện lần này, giới trong nghề thừa nhận sân khấu thử nghiệm Việt còn những hạn chế, khoảng lặng nhất định. NSƯT Lê Chức - Trưởng Ban tổ chức Liên hoan lần thứ IV chia sẻ, về yếu tố kỹ thuật, Việt Nam bị hẫng nhiều so với sân khấu thế giới hiện nay. NSƯT Lê Chức cho biết, có những đoàn quốc tế đến với Liên hoan đặt ra yêu cầu khá cao và cầu kỳ về mặt sân khấu.
Chẳng hạn có đoàn yêu cầu phải lắp đặt 6 cột trụ bằng thép trên sân khấu có khả năng chịu được lực đu quay lên tới 120kg. Ban tổ chức đã phải thuyết phục Nhà hát Tuổi trẻ, các công nhân cơ khí của Nhà hát phải khoan sân khấu và cắm những chiếc ngoàm vào hai bên tường. Nhiều đoàn cũng yêu cầu phải có một số loại đèn nghệ thuật mà hiện nay Việt Nam chưa có. Nhà hát VOV vốn là sân khấu ca nhạc, nhưng khi được sử dụng làm nơi trình diễn các tác phẩm dự Liên hoan cũng phải lắp đặt một số thiết bị để đáp ứng nhu cầu của nước bạn. Điều này phản ánh cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho biểu diễn vở diễn thử nghiệm ở Việt Nam còn nghèo nàn, lạc hậu và thô sơ.
“Sân khấu thử nghiệm” là một thuật ngữ để chỉ tính tiên phong của các trào lưu nghệ thuật sân khấu nhằm đổi mới, cách tân về sáng tác, dàn dựng, biểu diễn qua cấu trúc, ngôn ngữ, hình thể, âm nhạc, trang trí để đáp ứng yêu cầu của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển. Mỗi vở diễn thể hiện những khám phá, tìm tòi các hình thức đa dạng, mới lạ, mang lại hiệu quả về thị giác và nội dung nghệ thuật. Thế nhưng, NSND Trần Minh Ngọc đánh giá, một số vở diễn thử nghiệm của đơn vị nghệ thuật trong nước tại Liên hoan lần này chưa có được sự tìm tòi mới, vẫn chỉ quen một cách kể một nội dung, một sự kiện trong khi chúng ta rất cần có nhiều cách kể một nội dung và các yếu tố mới lạ trong cách kể.
Có thể thấy, một số vở diễn của các đơn vị trong nước được dàn dựng và công diễn gần đây như Mơ rồng, Hà Nội của những giấc mơ, Huyền thoại Gò Ấp Rồng... dù đã rất nỗ lực hướng tới yếu tố thử nghiệm, tuy nhiên chưa gây được ấn tượng mạnh với người xem những phá cách từ dàn dựng đến cấu trúc vở kịch, ngôn ngữ thể hiện hoặc sử dụng những thiết bị kỹ thuật hiện đại. Thực tế, các vở diễn ấy chỉ cho thấy tính thử nghiệm trong việc tổng hợp các loại hình nghệ thuật trong cùng một vở diễn hoặc đầu tư trang phục đẹp. Hoặc chúng ta có vở diễn phối trộn công nghệ nhưng lại quá lạm dụng, vụng về. Nói như NSND Trần Minh Ngọc: “Chúng ta thiếu các yếu tố mới lạ trong sáng tác và đạo diễn”.