Theo đó, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, một liều duy nhất kháng sinh doxycycline được uống trong vòng 72 giờ, sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ, sẽ giảm đáng kể nguy cơ mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) như: Chlamydia, giang mai và bệnh lậu.
Kết quả được trình bày tại Hội nghị lần thứ 30 về Retrovirus và Nhiễm trùng cơ hội (CROI 2023) mới đây.
Gia tăng mắc STIs trong thời gian gần đây
Mặc dù, phần lớn các trường hợp mắc bệnh giang mai và lậu đã từng được kiểm soát, nhưng lại tăng mạnh trong những năm gần đây. Từ năm 2017 đến 2021, tại Hoa Kỳ, các ca bệnh giang mai tăng 68% và tăng 25% các ca bệnh lậu. Khoảng một nửa số ca nhiễm mới là ở thanh thiếu niên và thanh niên.
Tỷ lệ mắc STIs cũng tăng ở phụ nữ. Tỷ lệ mắc bệnh giang mai bẩm sinh, mắc phải trong thời kỳ mang thai từ người mẹ bị nhiễm bệnh, đã tăng gần 200% trong giai đoạn này.
Hình ảnh vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây bệnh lậu.
CDC Hoa Kỳ ước tính, vào bất kỳ ngày nào trong năm 2018, cứ 5 người ở Hoa Kỳ thì có khoảng 1 người mắc STIs. Mặc dù nhiều bệnh nhiễm trùng được điều trị dễ dàng bằng thuốc kháng sinh, nhưng nhiều người vẫn không được chẩn đoán, vì có thể họ không có triệu chứng hoặc khó tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Nếu không được điều trị, bệnh giang mai có thể gây nhiều biến chứng trên cơ quan sinh sản, não, tim và các cơ quan khác. Bệnh giang mai bẩm sinh thậm chí có thể dẫn đến tử vong; gần 7% trẻ sơ sinh mắc bệnh giang mai vào năm 2020 đã không qua khỏi.
Doxycycline có thể giúp phòng ngừa STIs trong nhóm có nguy cơ cao
Các nghiên cứu chủ yếu xem xét việc sử dụng doxycycline ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đây là đối tượng chiếm phần lớn các ca STIs. Những người tham gia được yêu cầu uống hai viên thuốc, trong vòng ba ngày kể từ khi tiếp xúc với STIs.
Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy, dùng doxycycline sau phơi nhiễm với STIs, làm giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm chlamydia và giang mai trong nhóm này.
Kết quả này được củng cố thêm bởi một nghiên cứu được trình bày vào năm 2022 tại một hội nghị về HIV. Thử nghiệm cho thấy, dùng doxycycline sau khi quan hệ tình dục, làm giảm hơn 80% tỷ lệ mắc bệnh giang mai và chlamydia và giảm 55% tỷ lệ mắc bệnh lậu, ở những người tham gia.
Các nghiên cứu mới nhất cũng xác nhận những kết quả đầy hứa hẹn này. Một trong số đó, các nhà khoa học đã thử nghiệm doxycycline ở 232 nam giới có quan hệ tình dục đồng giới (những người đã tham gia vào một nghiên cứu lớn hơn về phòng chống HIV), cũng cho thấy, những người đàn ông dùng doxycycline sau khi quan hệ tình dục, ít có khả năng mắc bệnh chlamydia hoặc giang mai hơn 84% và khả năng mắc bệnh lậu thấp hơn khoảng 50% so với những người không dùng thuốc kháng sinh.
Một nhánh riêng của cuộc thử nghiệm này còn phát hiện, những người đàn ông tiêm 4CMenB, một loại vaccine chống viêm màng não do vi khuẩn do GlaxoSmithKline sản xuất, cũng có nguy cơ mắc bệnh lậu thấp hơn một nửa, mặc dù vẫn chưa rõ khả năng bảo vệ có thể kéo dài bao lâu.
Thuốc kháng sinh doxycycline có thể giúp ngăn ngừa chlamydia, giang mai bệnh lậu ở nam quan hệ tình dục đồng giới…
Các nghiên cứu này được tiến hành trong nhóm MSM, nhưng các nhà khoa học hy vọng kết quả sẽ được áp dụng cho những người đàn ông thuộc bất kỳ xu hướng tình dục nào.
Doxycycline đã được sử dụng rộng rãi để ngăn ngừa bệnh sốt rét và điều trị mụn trứng cá và hồng ban. CDC đang xem xét dữ liệu mới nhất và sẽ đưa ra các khuyến nghị mới về việc sử dụng doxycycline sau phơi nhiễm STIs.
Trong thời gian chờ đợi, cơ quan này đã khuyến cáo các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chỉ cung cấp doxycycline (chứ không phải các loại kháng sinh khác), để phòng ngừa STIs cho những người đồng tính nam và lưỡng tính cũng như phụ nữ chuyển giới - những người có bằng chứng về hiệu quả phòng ngừa này.
CDC cũng khuyến cáo, bệnh nhân nên được tư vấn về các tác dụng phụ tiềm ẩn, như rối loạn tiêu hóa và nhạy cảm với ánh sáng… của thuốc.
Doxycycline dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) còn được gọi là "Doxy-PEP", có thể dùng tương tự như HIV PrEP, không dành cho tất cả mọi người, nhưng là một chiến lược hiệu quả cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao. Các khuyến nghị trong tương lai về việc sử dụng doxycycline như một chiến lược phòng ngừa STIs, sẽ cần xem xét hiệu quả ở các quần thể khác nhau, cũng như tình trạng kháng thuốc kháng sinh, TS. Annie Luetkemeyer, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Zuckerberg San Francisco cho biết.
PEP (Post Exposure Prophylaxis) là dự phòng sau phơi nhiễm hay phòng ngừa sau phơi nhiễm, là bất kỳ điều trị y tế dự phòng nào được bắt đầu sau khi tiếp xúc với mầm bệnh để ngăn chặn sự lây nhiễm xảy ra…
Hơn 30 loại vi khuẩn, virus và ký sinh trùng khác nhau được biết là lây truyền qua quan hệ tình dục, bao gồm quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và miệng. Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, sinh nở và cho con bú. 8 tác nhân gây bệnh có liên quan đến tỷ lệ mắc STI cao nhất. Trong số này, 4 bệnh hiện có thể chữa khỏi: Giang mai, lậu, chlamydia và trichomonas. 4 loại còn lại là nhiễm virus không thể chữa khỏi là: Viêm gan B, virus herpes simplex (HSV), HIV và virus gây u nhú ở người (HPV).
Ngoài ra, sự bùng phát của các bệnh nhiễm trùng mới có thể mắc phải qua quan hệ tình dục như: Đậu mùa khỉ (Mpox), Shigella sonnei, Neisseria meningitidis, Ebola và Zika, cũng như tái xuất hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục bị bỏ quên như bệnh hột xoài (hay còn gọi là u lympho sinh dục hoặc u hạt bạch huyết hoa liễu)… báo trước những thách thức ngày càng tăng trong việc cung cấp các dịch vụ đầy đủ để phòng ngừa và kiểm soát STIs.
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng ngoài tác động tức thì của chính bệnh nhiễm trùng. Cụ thể:
- STI như herpes, lậu và giang mai có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV.
- Lây truyền STIs từ mẹ sang con có thể dẫn đến thai chết lưu, tử vong sơ sinh, nhẹ cân và sinh non, nhiễm trùng huyết, viêm kết mạc sơ sinh và dị tật bẩm sinh.
- Nhiễm trùng HPV gây ra ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác.
- Viêm gan B dẫn đến xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan.
- Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu và chlamydia là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm vùng chậu và vô sinh ở phụ nữ...
Mời độc giả xem thêm video:
Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng