Điều này dấy lên những lo ngại về nguy cơ cháy nổ do đốt vàng mã gây ra.
Thờ cúng tổ tiên vốn là truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt từ xa xưa, song thời gian qua, đã có không ít những vụ hỏa hoạn xảy ra, mà nguyên nhân chính là do đốt vàng mã vô ý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã cần tuân thủ đúng quy định, đảm bảo an toàn phòng cháy càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ VH-TT&DL, trung bình mỗi năm người Việt đã đốt hàng nghìn tấn vàng mã, tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. Điều đó không chỉ gây lãng phí mà việc đốt vàng mã còn tiềm ẩn nguy cơ về hỏa hoạn, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.
Trên thực tế, đã có không ít vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra liên quan đến thắp hương hay đốt vàng mã, điển hình như: vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu chợ Quang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội vào hôm 31/3 năm ngoái đã thiêu rụi nhiều tài sản của người dân và tiểu thương kinh doanh trong chợ.
Rồi vụ cháy khiến hàng ngàn cư dân sống tại chung cư Gold View (TP.HCM) phải sơ tán khẩn cấp trong đêm vì có cháy tại một căn hộ ở tầng 20 thuộc block B của tòa nhà. Cơ quan chức năng xác định do một hộ dân lúc đốt vàng mã ngoài hành lang đã để lửa bén sang nhiều tấm bìa carton bên cạnh khiến lửa bùng phát.
Tiếp đó là vụ cháy lớn xảy ra tại quán karaoke 7 tầng ở đường Hào Nam, gần ngã tư Hào Nam - Đê La Thành khiến cột viễn thông lớn trên nóc nhà và nhiều đồ đạc trong ngôi nhà bị thiêu rụi. Nguyên nhân gây cháy là do chủ nhà đốt vàng mã nhân ngày mùng 1 âm lịch...
Tại một số tuyến phố như Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Đường, Mã Mây, Hàng Ngang có rất nhiều người đốt vàng mã ngay trên đường đi khi các phương tiện giao thông vẫn đang qua lại. Do nhà ở chật hẹp nên người dân mang ra ngoài để đốt, tàn lửa bay khắp nơi mỗi khi có cơn gió thổi qua. Người ta sử dụng một lượng lớn vàng mã như quần áo, mũ mão, nhà cửa để hóa vàng. Do vậy, việc hóa vàng không khác gì một đám cháy nhỏ xung quanh khu vực hóa vàng đó nếu không đảm bảo đủ khoảng cách.
Theo lực lượng cảnh sát PCCC, những vụ cháy vừa nêu chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân liên quan đến thắp hương thờ cúng, như: bố trí nơi thắp hương thờ cúng chật chội không đảm bảo khoảng cách PCCC. Hệ thống các thiết bị điện sử dụng trên bàn thờ không đảm bảo an toàn PCCC, tiết diện dây dẫn điện không đảm bảo về cường độ dòng điện, hệ thống điện không có át-tô-mát đảm bảo an toàn PCCC dẫn đến dễ xảy ra chập điện.
Hơn nữa, người dân thường đốt vàng mã ở vị trí không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, dễ tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy, trong quá trình đốt không có người trông coi, tàn lửa có thể cháy lan sang các vật dụng xung quanh. Vàng mã phải được đốt trong các lư hương, các thùng, các đỉnh làm bằng vật liệu không cháy đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC.
Để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra, lực lượng PCCC cũng lưu ý, các thiết bị điện được bố trí trên bàn thờ cần đảm bảo an toàn PCCC về điện, dây dẫn đảm bảo cường độ dòng điện, hệ thống điện cần phải có át-tô-mát để tránh sự cố về điện có thể gây ra cháy.
Thực tế, tục lệ đốt vàng mã đã và đang phát triển mạnh, không chỉ ở trong phạm vi cúng giỗ ở gia đình và đền chùa mà còn lan sang các cơ quan nhà nước, trở thành một nghi thức không thể thiếu của các công ty xây dựng cầu đường và các công trình, trong các buổi lễ động thổ, khởi công. Theo thống kê sơ bộ, riêng tại Hà Nội đã tiêu thụ gần 400 trăm tỷ đồng/năm cho việc đốt vàng mã.
Đốt vàng mã nhiều không chỉ lãng phí, tốn kém mà còn ảnh hưởng tới môi trường sống của chúng ta về lâu dài mà thực tế trước mắt ai cũng có thể nhìn thấy được, đó là đại đa số những người sau khi đốt vàng mã xong đều mang tro hóa vàng đổ ra sông. Thiết nghĩ, mỗi người trong chúng ta nếu có thể hạn chế và tiết kiệm trong việc đốt vàng mã thì vừa bảo vệ được môi trường sống xung quanh, vừa tránh được các nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy, nổ.
Nhiều địa điểm tâm linh như đền, chùa giờ đây đã ngăn cấm việc thắp hương bên trong nhà mà chỉ cho phép thắp hương ở ngoài sân, phần lớn đã hạn chế được nguy cơ gây hỏa hoạn.