Đốt vàng mã ngày Tết thế nào cho đúng?

01-02-2014 22:26 | Thời sự
google news

Tại nơi đốt vàng mã, người ta thường đặt vài cây mía dài. Dân gian cho rằng đây là đòn gánh để các linh hồn dùng làm gậy chống, hay mang hàng hóa.

 Tại nơi đốt vàng mã, người ta thường đặt vài cây mía dài. Dân gian cho rằng đây là đòn gánh để các linh hồn dùng làm gậy chống, hay mang hàng hóa. 

"Sau Tết, các gia đình phải tiễn vàng, coi như hết Tết. Tổ tiên sẽ dùng vàng mã làm lộ phí đi đường. Tiền tàu, xe không đáng kể đâu”, GS Ngô Đức Thịnh nói.

GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, cho rằng hóa vàng “mù mịt” không cần thiết.

Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp. Sau đó, các gia đình đi nhận mộ, mời Tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Tiếp đó là lễ cúng Tất niên tại bàn thờ gia tiên chiều 30, cúng đêm giao thừa (sáng mồng 1 của năm mới) và kết thúc bằng lễ hóa vàng để tạm biệt tổ tiên sau những ngày Tết đầm ấm.

Đồ mã xa xỉ không phù hợp với người cõi âm. Theo một số chuyên gia văn hóa phương Đông, việc chọn ngày làm lễ hóa vàng tùy thuộc vào mỗi gia đình, chủ yếu từ mùng 3 đến khoảng mùng 10 Tết Nguyên đán. Điều quan trọng nhất là phải có lễ tạ gia tiên, gia thần và chư vị thánh thần, phật. Theo quan niệm dân gian, có lễ tạ thì tấm lòng của chủ nhà mới được người âm chứng giám.

Sau khi lễ, các gia chủ sẽ hóa vàng. Phần tiền, vàng của gia thần phải hóa trước, tiền vàng, đồ dùng của tổ tiên hóa sau. Tục xưa, tại nơi đốt vàng mã, người ta thường đặt vài cây mía dài. Dân gian cho rằng đây là đòn gánh để các linh hồn dùng làm gậy chống, hay mang hàng hóa.

Tục hóa vàng Tết gắn liền với những ngày lễ này. Có thể hiểu, hóa vàng mã ngày Tết là một phần trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam từ nhiều đời nay. Vàng mã được xem là lộ phí đi đường của Tổ tiên về cõi âm sau mấy ngày về thăm con cháu.

GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam cho rằng: Quan niệm người chết không phải là hết, chia của cho người chết ở ta cũng đã có từ rất lâu đời. Chính vì thế, tục đốt vàng mã là hành động mang tính nghi lễ, có cơ sở nhận thức.

GS Thịnh cũng cho rằng, hiện nay đang tồn tại 2 quan niệm, đồ mã và đồ vàng mã. Đồ mã là khái niệm chỉ chung những đồ làm bằng giấy và có thể đốt đi được. Nó liên quan đến quan niệm, muốn người âm nhận được thì đồ lễ phải được đốt (hóa) sau khi dâng cúng, vì thế, đồ mã không thể làm bằng gỗ hay vật liệu khác. Đồ mã chính là những thứ vật dụng như nhà, xe, voi, ngựa, đồ đạc, hình nhân... bằng giấy. Còn vàng mã là những thỏi vàng, bạc hay tiền địa phủ (sau này người ta in giống như tiền thật).

Hành động đốt vàng mã là một trong các nghi lễ, mà nghi lễ nào cũng có cơ sở nhận thức và được thực hiện trên một nền tảng quan niệm vững chắc, trở thành một tập quán xã hội. Đồ vàng mã cũng vậy, dân gian quan niệm, chết không phải đã hết mà linh hồn tồn tại ở một thế giới siêu nhiên nào đó nên họ tư duy “trần sao âm vậy”, có nghĩa là người sống cần có gì, người âm cũng cần có cái đó. Bằng rất nhiều cách người sống cố gắng liên hệ với thế giới linh hồn. Họ đốt tiền, vàng mã là để tin rằng người chết cũng có được cuộc sống đủ đầy. Vì thế, đồ vàng mã khó có thể tách rời khỏi văn hóa tín ngưỡng của người Việt.

Tuy nhiên, GS Ngô Đức Thịnh cho biết, hiện nay, ở nhiều nơi, tục hóa vàng hay cúng gia tiên trong các ngày Tết đã không còn vì những quan niệm cực đoan.

“Người nào không hóa vàng hay thắp hương gia tiên mấy ngày Tết rất đáng trách. Làm đúng mức, rất văn hóa”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam nói.

 

 

 


Ý kiến của bạn
Tags: