Đốt vàng mã là hành vi "đốt tiền" lãng phí
TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng UIA, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, tục đốt vàng mã được lan truyền từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đạo Phật không có tục này.
Tháng 7 là tháng mã gắn với chuyện xưa ở Trung Quốc có người chuyên bán vàng mã là Vương Dụ. Hàng hóa ế ẩm, Vương Dụ vờ chết, nằm trong quan tài. Anh em bạn bè, hàng xóm láng giềng mua vàng mã đến viếng thì Vương Dụ tỉnh dậy bảo vừa gặp Diêm Vương. Vì có nhiều tiền vàng hối lộ nên được tha về. Thế là nhà nào nhà nấy thi nhau đốt vàng mã cho người chết. Từ đó mà có tục đốt vàng mã.
Ở góc độ tâm linh, đốt vàng mã không có ý nghĩa. Các linh hồn không tiêu dùng vật chất, thậm chí việc đốt vàng mã còn là một chướng ngại khiến linh hồn không siêu thoát được.
"Từ rất lâu rồi, đây là một trò lừa thế gian. Bỏ tiền thật để mua tiền giả, trong khi người nhận không dùng được, gây lãng phí cho xã hội, ô nhiễm môi trường. Đã đến lúc phải bỏ tục lệ này", TS Vũ Thế Khanh nói.
Đáng tiếc là nhiều người vẫn nghĩ rằng "trần sao âm vậy", có người đốt đến hàng triệu đồng tiền vàng mã, vừa ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí, vừa không có tác dụng gì, thậm chí còn có thể có hại. Mỗi người nên thay đổi nhận thức, thói quen để không sa vào mê tín dị đoan bằng việc duy trì tục được lan truyền từ đất nước khác như vậy.
Vàng mã, đốt nhiều hay đốt ít cũng đều không tốt, không có lợi. Theo TS Vũ Thế Khanh, thay vì đốt vàng mã, để tưởng nhớ người đã khuất, hãy cúng đồ thật. Tiền thật, đồ ngon vật lạ thật. Sau đó đem tiền, đồ ăn đi làm từ thiện nhân danh người đã khuất. Đó là cách ghi công đức có lợi nhất cho chúng sinh, là việc tốt nên làm.
"Chúng ta đừng sa vào mê tín mà đốt đi hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm. Số tiền ấy đem cho trẻ em nghèo, giúp đỡ những số phận bất hạnh, là cách làm tích lũy ân đức, có giá trị gấp hàng triệu lần việc đốt bỏ đi. Liệu chúng ta có nên làm một việc không có lợi cho mình, cho cộng đồng, và cho cả thế giới tâm linh?", TS Vũ Thế Khanh nói.
Theo ông, người sống làm việc thiện, tu tích công đức, sống nhân nghĩa, có tình, giúp đỡ người nghèo khó… là cách tốt nhất để dâng cúng tổ tiên, ông bà. Các linh hồn không tiêu dùng vật chất, lại càng không bon chen, đua đòi điều kiện hưởng thụ, nên chúng ta hãy thoát ra khỏi vòng mê muội để làm những việc có ý nghĩa thiết thực hơn.
Đừng nghĩ càng năng đến chùa thờ cúng càng tốt
TS Vũ Thế Khanh cho biết, trong đạo Phật có luật Nhân quả. Nếu một người sống đức độ, làm việc thiện và giúp ích cho đời thì không cần xin "các ngài" cũng cho. Còn những người gian dối, độc ác, hèn mọn thì có xin cũng không được. Thế nhưng nhiều người cứ lầm tưởng với Phật thì cứ xin là được. Đến chùa lễ Phật cũng là điều tốt, nhưng tốt hơn là hãy phát nguyện làm những điều lành, điều tốt cho đời, làm theo lời Phật dạy thì đó chính là đi về nơi tốt đẹp.
"Đừng nghĩ cúng nhiều, đốt nhiều vàng mã là tốt, đó là hành vi xúc phạm nơi cửa Phật", TS Vũ Thế Khanh nói.
Có những người có thể không bao giờ đến chùa, nhưng trong lòng họ luôn hướng đến lời Phật dạy, luôn làm điều thiện thì vẫn tốt hơn người đến chùa mỗi ngày mà lại làm việc độc ác. Giống như con cái đối với cha mẹ. Ở xa cha mẹ nhưng thường xuyên thăm hỏi, quan tâm, lòng hướng về cha mẹ, phụng dưỡng bằng vật chất trong điều kiện có thể, tốt hơn nhiều một đứa con ngày nào cũng đến thăm bố mẹ nhưng chỉ để xin xỏ, phá phách.
"Đi chùa đừng cầu lợi. Phật không làm thuê cho ai cả. Phật cũng không làm thay cho ai, và đặc biệt là Phật không đói ăn, cũng không cần ai phải chào "ngài". Đi lễ hay đi lễ không quan trọng, hãy để tâm mình luôn tỏa sáng bằng những việc thiện.
Giống như học sinh đi học, nếu đến trường mà chỉ lêu lổng chơi bời thì đi học làm gì cho tốn học phí. Còn khi đã thích học, không cần phải cứ đến trường thì mới học được, mới tiếp thu kiến thức được. Còn cứ đua nhau đi lễ, cúng bái với lễ to lễ nhỏ thì chỉ béo bở bọn trục lợi mà thôi, chẳng có tác dụng gì cả", TS Vũ Thế Khanh phân tích.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Vụ Tấn Công Nữ Caddie: Ông Nguyễn Viết Dũng Xin Thôi Làm Đại Biểu HĐND Vì Lý Do Sức Khỏe | SKĐS