Không chỉ cúng lễ tại gia, nhiều người còn đi tới các chùa chiền, miếu phủ…, để thắp nhang dâng cúng lễ vật, và một việc song hành không thể thiếu được, đó là sau khi cúng xong họ cũng đốt hóa vàng mã.
Các dịp lễ Tết trong năm mà người dân ta cúng rồi đốt vàng mã nhiều nhất phải kể tới, đó là: Tết Nguyên Đán, Rằm Tháng Giêng, Rằm Tháng Bảy, ngày Ông Táo về Trời 23 Tháng Chạp...
Còn nhớ, ngày xưa, khi kinh tế còn khó khăn, tiền bạc ít nên việc đốt nhiều vàng mã cũng khó lòng thực hiện được, mỗi gia đình chỉ mua sắm một ít cho đủ đầy lễ vật mà thôi.
Ngày nay, khi mà điều kiện kinh tế khá giả lên thì người ta thường mua rất nhiều đồ mã để cúng lễ rồi hóa để "gửi" sang… "thế giới bên kia" cho thần linh, cho người thân quá cố.
Khi đã thành trào lưu theo kiểu 'đua" nhau, mà gia đình nhà nào cúng và đốt ít vàng mã thì bị xem là… hà tiện, xem là "không chu đáo" với ông bà tiên tổ, vì vậy trong vấn đề tâm linh này cũng luôn có sự ganh đua ngầm nhau, khiến cho thị trường đồ mã luôn đắt hàng. Không ít người còn có suy nghĩ, cứ cúng nhiều đồ mã là sẽ được lộc to, phát tài…, nên họ càng mua nhiều, cúng và đốt một cách vô tội vạ!. Đại đa số mọi người đều cho rằng "Trần sao Âm vậy", nghĩa là người sống sinh hoạt như thế nào thì người chết dưới Âm phủ cũng sinh hoạt, tiêu dùng như thế (?!), nên công nghệ sản xuất đồ vàng mã càng phát đạt với rất nhiều mẫu mã đa chủng loại, thông qua các loại vật dụng đời thường như: Quần áo, xe đạp, tiền, đô la, vàng… Rồi các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy, máy bay, và thậm chí cả nhà tầng, cả cung tần mỹ nữ… bằng giấy cũng được làm ra để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của mọi người, mọi nhà.
Tôi đã từng chứng kiến một gia đình hàng xóm nhà tôi, chỉ dịp Ông Táo và mấy ngày lễ Tết Nguyên Đán năm ngoái đã bỏ ra hơn 10 triệu đồng để mua vàng mã về cúng rồi… đốt. Tất nhiên là kinh tế gia đình này khá giả, nên hơn 10 triệu đồng đối với nhà họ là rất nhỏ, nhưng đối với người lao động nghèo thì số tiền ấy là quá lớn, nó có thể cho họ có một cái tết đủ đầy và làm rất nhiều việc có ích.
Thực tế việc nhiều nhà giàu họ bỏ ra bao nhiêu tiền thật để mua đồ mã về cúng, đốt không quan trọng, miễn sao là nó đáp ứng được ý nguyện tâm linh của họ. Với người nghèo thì mất mấy trăm ngàn cho việc mua đồ mã để dâng cúng cũng là cả vấn đề! Lẽ thường tình thì gia đình nào có thì họ sẽ dâng cúng nhiều, gia đình nghèo khó họ sẽ mua cúng ít… Thế nhưng, thực tế cuộc sống tôi được chứng kiến thì thì có không ít người gia đình không được khá giả lắm vẫn cố mua và đốt cho thật nhiều, kể cả việc phải chạy vạy vay mượn tiền bạc!
Vẫn biết là tập tục đốt vàng mã của người dân nước ta trong những dịp cúng lễ đã có từ lâu đời, và để người dân từ bỏ nó ngay tức thì là rất khó, thế nhưng theo tôi việc tuyên truyền qua các kênh thông tin để mọi người, mọi nhà hiểu được tập tục này rất không có lợi, tốn kém, ô nhiễm môi trường… là rất cần thiết.
Sự thực chúng ta đều thấy, việc các gia đình đều phải chi một khoản tiền không nhỏ cho đồ vàng mã mỗi năm là có thực. Đó là sự lãng phí về tiền bạc ở mỗi gia đình; còn đối với đất nước thì con số thống kê sẽ khó lòng thực hiện được đủ đầy, khi mà có một khối lượng giấy khổng lồ đã được dùng làm nguyên liệu để sản xuất đồ mã trong khi chúng ta vẫn phải nhập rất nhiều giấy cũng như nguyên liệu làm giấy, mà kết cục là số lượng giấy đó bị đem đốt thành tro tàn. Rỗi nữa, ô nhiễm môi trường từ tro hóa vàng, từ hóa chất, bột, phẩm màu trong các công đoạn làm đồ mã cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến môi trường thêm trầm trọng ô nhiễm…
Từ thực trạng trên, mong rằng mọi người dân hãy suy nghĩ, ý thức và hạn chế dần trong việc cúng đốt vàng mã. Các gia đình nên cúng càng ít đồ mã càng tốt, và nếu từ bỏ hẳn tập tục này là tốt nhất, bởi lẽ lòng thành kính với thần thánh, tiên tổ, người thân quá cố…, đâu cứ phải cúng nhiều, đốt nhiều mới có lộc, phát tài, mà là ở cái tâm, sự thành kính…
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.