Hà Nội

Đốt rơm rạ, rác thải ở ven đường: Tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

18-04-2018 07:59 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong những ngày đầu tháng 4 năm 2018 này đã xảy ra vụ tai nạn liên hoàn tại Km 19+500, trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây do sự va chạm của 2 xe khách 16 chỗ, 1 xe bồn và 1 xe khách 48 chỗ.

Vụ việc khiến 4 người bị thương, các phương tiện bị hư hỏng nặng, gây ảnh hưởng lưu thông trong nhiều giờ đồng hồ. Nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn liên hoàn trên tuyến cao tốc kể trên được xác định là do người dân ở 2 bên đường đã đốt rơm rạ ngoài đồng, khói bay mù mịt, bao trùm cả mặt đường khiến tầm nhìn, tầm quan sát của lái xe bị hạn chế.

Tình trạng đốt rơm rạ, rác thải ven đường không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn tạo khói, bụi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tình trạng đốt rơm rạ, rác thải ven đường không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn tạo khói, bụi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Là một người có suốt quãng đời ấu thơ sống tại vùng quê - nơi có tuyến Quốc lộ 1A huyết mạch chạy qua, vì vậy, tôi thường xuyên chứng kiến cảnh người nông dân đốt rơm rạ ở những thửa ruộng ven đường sau khi thu hoạch mùa màng xong. Không chỉ đốt rơm rạ tại các thửa ruộng sát đường quốc lộ, không ít gia đình mang lúa gặt xong lên lề đường quốc lộ để tuốt lấy thóc mang về, sau đó rơm họ phơi khô rồi châm lửa đốt luôn tại chỗ. Bước vào mùa gặt, khi nhiều nhà cùng đốt rơm rạ như vậy đã tạo ra một khung cảnh với khoảng không gian rộng lớn bị khói bụi bao phủ. Khói tràn lên đường quốc lộ mù mịt.

Thực ra, nhiều người dân quê tôi biết việc mình đốt rơm rạ, nhất là đốt ở những thửa ruộng ven đường, đốt ở lề đường là ảnh hưởng tới các phương tiện tham gia giao thông, nhưng thói quen nguy hiểm này không mấy ai bỏ, bởi hầu như chẳng thấy ai, người của chính quyền địa phương nhắc nhở, ngăn cản, vì vậy mà cứ tới mùa gặt là người ta lại đốt và khói đồng lại mịt mùng bủa vây đường giao thông...(?!)

Chẳng riêng gì ở quê tôi, chuyện đốt rơm rạ ven đường, ở ngoài đồng từ ngày xưa và tới giờ vẫn còn đốt... mà những năm gần đây, khi có việc đi nhiều tỉnh thành khác, tôi cũng vẫn bắt gặp tình trạng người nông dân đốt rơm rạ và cả rác thải tràn lan. Tình trạng này không chỉ gây mất an toàn giao thông, khi “gián tiếp giết người” mà còn tạo bụi, hơi nóng gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Thói quen của người nông dân khi đốt rơm rạ là để lấy tro bón ruộng, tạo sự màu mỡ cho sự tái tạo của đất. Việc này cũng là một phương cách tốt, nhưng theo các kỹ sư ngành nông nghiệp, công dụng của rơm rạ có giá trị kinh tế cao hơn khi chúng được tận dụng để sản xuất nấm rơm, thậm chí xuất khẩu..., vì vậy mà người nông dân sau khi thu hoạch nên suy nghĩ, cân nhắc trong việc nên đốt để lấy tro hay tích trữ để làm mục đích khác có lợi hơn...(?!)

Chính vì vậy, để hạn chế các vụ tai nạn giao thông do khói bụi gây ra thì chính quyền các địa phương cần phải làm tốt công tác tuyên truyền tới các hộ dân về tác hại, sự nguy hiểm của việc đốt rơm rạ, rác thải ở gần đường giao thông, lề đường, đồng thời với biện pháp xử phạt răn đe kèm theo để mọi người từ bỏ thói quen xấu này.


Nguyễn Long (TP.HCM)
Ý kiến của bạn