Theo nghiên cứu, đột quỵ xuất huyết não có tỷ lệ tử vong rất cao, khoảng 40%. Nếu may mắn qua khỏi, tỷ lệ tàn tật cũng không hề nhỏ, khoảng 35%. Vì vậy, cách tốt nhất là phòng ngừa loại đột quỵ nguy hiểm này.
Các nguyên nhân gây đột quỵ xuất huyết não
Có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ xuất huyết não trong đó nguyên nhân hay gặp nhất là tăng huyết áp. Đây là nguyên nhân phổ biến, hay gặp ở người trẻ tuổi.
Một nguyên nhân hay gặp khác là do các mạch máu hình thành bất thường trong não, cụ thể:
- Do vỡ túi phình động mạch não, dị dạng động – tĩnh mạch não.
- Do sử dụng chất làm giảm đông máu.
- Do khối u não vỡ gây chảy máu.
- Do sử dụng các chất ma túy (có thể gây tăng huyết áp và dẫn đến xuất huyết),
- Do các bệnh làm máu khó đông…
Bất cứ ai cũng có thể bị xuất huyết não, nhưng nguy cơ xuất huyết não tăng theo tuổi. Nam giới có nguy cơ cao hơn một chút so với nữ.
Hình ảnh đột quỵ xuất huyết não
Biểu hiện đột quỵ xuất huyết não
Các biểu hiện thường gặp là:
- Đột ngột tê hoặc yếu ở mặt, cánh tay hoặc chân (đặc biệt là ở một bên cơ thể).
- Đột nhiên nhầm lẫn, khó nói hoặc khó hiểu lời nói.
- Đột ngột khó nhìn ở một hoặc cả hai mắt.
- Đột ngột đi lại khó khăn, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc phối hợp.
- Đột ngột đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.
Đột quỵ xuất huyết não gây ra các dấu hiệu thần kinh tương tự như đột quỵ nhồi máu não. Mặc dù các triệu chứng buồn nôn, nôn, đau đầu, đột ngột thay đổi ý thức thường gặp hơn trong đột quỵ xuất huyết não. Các dấu hiệu có thể khác nhau phụ thuộc vào khu vực não bị tổn thương, từ đau đầu nhẹ đến suy giảm nặng nề chức năng thần kinh.
Ở bệnh nhân chảy máu nội sọ thường có các triệu chứng: đau đầu, rối loạn tâm thần, co giật, buồn nôn, nôn, tăng huyết áp rõ rệt. Do đó, khi gặp tình trạng này, người thân nên đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay.
Chẩn đoán đột quỵ xuất huyết não
Nếu bệnh nhân có một số triệu chứng của đột quỵ não, bác sĩ sẽ chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT) sọ não là phương pháp rất tin cậy, chẩn đoán chính xác xuất huyết não, thời gian thực hiện nhanh (khoảng 5-10 phút). Ngoài ra, trên phim còn có thể phát hiện các tổn thương, bệnh lí khác trong não.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng phát hiện rất chính xác xuất huyết não và các tổn thương khác. Tuy nhiên, phương pháp này chụp lâu hơn, chi phí cao hơn và chỉ nên thực hiện ở một số trường hợp cụ thể. Chụp mạch chỉ cần thiết khi bác sĩ nghi ngờ có dị dạng mạch máu hoặc do nguyên nhân đặc biệt khác.
Các xét nghiệm máu giúp xác định rối loạn hệ thống miễn dịch, viêm và các vấn đề đông máu có thể gây xuất huyết não.
Lời khuyên bác sĩ trong điều trị đột quỵ xuất huyết não
Đột quỵ xuất huyết não là một bệnh cấp cứu cần điều trị ngay lập tức. Xuất huyết não ít gặp hơn nhồi máu não (tắc mạch) nhưng thường nghiêm trọng hơn. Việc điều trị phụ thuộc vào lượng máu và mức độ tổn thương não.
Vì nguyên nhân phổ biến nhất của xuất huyết não liên quan đến tăng huyết áp, nên kiểm soát và làm hạ huyết áp xuống một mức hợp lí là bước quan trọng đầu tiên. Trong một số trường hợp, phẫu thuật lấy máu tụ ra ngoài là cần thiết để giảm áp lực trong hộp sọ và bớt chèn ép não. Ngoài ra, các biện pháp hồi sức cấp cứu, chăm sóc tích cực, phòng chống biến chứng cũng rất quan trọng.
Điều trị lâu dài và phục hồi chức năng còn phụ thuộc vào vị trí, số lượng, kích thước khối máu tụ. Có thể bao gồm: Uống thuốc hàng ngày để kiểm soát huyết áp, phục hồi chức năng vận động, phát âm và cách thích nghi với cuộc sống hàng ngày cho người bệnh. Nếu bệnh nặng, bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại những di chứng và cần người hỗ trợ chăm sóc.
Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ bệnh nhân đột quỵ do xuất huyết não cần phải được cấp cứu kịp thời, không tự điều trị, không điều trị theo mách bảo tránh nguy hại đến sức khoẻ.