Đột quỵ ở người trẻ

10-10-2017 09:43 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Vừa qua, bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận cấp cứu hai trường hợp bệnh nhân dưới 40 tuổi bị đột quỵ thể nặng.

Đây có phải là hai trường hợp cá biệt khi mà đột quỵ vốn được xem là căn bệnh của người cao tuổi?

Thực sự là đột quỵ ở người trẻ (theo các tài liệu về đột quỵ, người dưới 45 tuổi được xem là trẻ) đang là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm cũng như số lượng người dưới 45 tuổi bị đột quỵ ngày càng gia tăng. Hai trường hợp đáng tiếc trên góp phần vào lời cảnh báo tới những người trẻ cần cảnh giác hơn với căn bệnh nguy hiểm này.

Bệnh lý nặng nề và nguy hiểm

Đột quỵ là tình trạng máu cung cấp cho một phần não bị gián đoạn hoặc giảm nặng khiến cho vùng não đó bị thiếu oxy và dinh dưỡng. Chỉ trong vòng vài phút thiếu máu, thiếu oxy, tế bào não sẽ chết. Nếu vùng tế bào não bị tổn thương nặng hoặc lan rộng, đột quỵ có thể đưa đến tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề về rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác... Đột quỵ chính là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế, đồng thời là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới. Thống kê cho thấy, trong năm 2005 có khoảng 5,7 triệu trường hợp tử vong do đột quỵ. Con số này tăng lên khoảng 6,5 triệu trường hợp năm 2015 và ước tính là 7,8 triệu trường hợp năm 2030.

Có hai nhóm bệnh đột quỵ là nhồi máu não và xuất huyết não. Nhồi máu não chiếm khoảng 85% trường hợp đột quỵ, xảy ra do động mạch nuôi não bị tắc, có thể do cục máu đông hình thành tại chỗ hoặc từ nơi khác, thường là từ trong tim, di chuyển đến. Xuất huyết não xảy ra khi động mạch trong não bị vỡ, gây chảy máu. Xuất huyết não có thể xảy ra do huyết áp tăng cao không kiểm soát được, do rối loạn đông máu vì sử dụng thuốc kháng đông, do dị dạng mạch máu não hoặc vỡ phình mạch máu não...

Đột quỵ ở người trẻ

Trước giờ, nhiều người vẫn nghĩ rằng đột quỵ chỉ gặp ở người lớn tuổi. Đúng là nguy cơ bị đột quỵ của một người sẽ tăng lên khi tuổi tác gia tăng và đột quỵ ít gặp ở người trẻ tuổi hơn (số lượng người dưới 45 tuổi bị đột quỵ chiếm khoảng 10 - 15% số bệnh nhân đột quỵ). Tuy nhiên, nhiều thống kê gần đây đã cho thấy số lượng người trẻ bị đột quỵ ngày càng gia tăng và con số này không phải là nhỏ. Một báo cáo ở Mỹ cho biết mỗi năm có khoảng 532.000 đến 852.000 người ở Mỹ trong lứa tuổi 18 - 44 bị đột quỵ. Điều đáng nói là so với người cao tuổi, người trẻ bị đột quỵ sẽ để lại hậu quả nặng nề hơn cho bản thân, xã hội và nền kinh tế một khi họ bị tàn phế và mất đi các hoạt động chức năng ở lứa tuổi còn rất trẻ, lứa tuổi lao động.

Nhận biết và điều trị sớm đột quỵ

Việc nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ để có thể xử trí kịp thời, đúng cách sẽ giúp giảm thiểu hậu quả của bệnh, thậm chí, có những trường hợp đã hồi phục hoàn toàn sau đó.

Nhận biết:

Để nhận biết các dấu hiệu đột quỵ, hãy nhớ tới từ FAST.

F: Face (khuôn mặt). Yêu cầu nạn nhân cười. Một bên mặt có xệ xuống?

A: Arms (tay). Yêu cầu nạn nhân giơ hai tay lên. Một bên tay có rũ xuống hay là không thể giơ lên được?

S: Speech (lời nói). Yêu cầu nạn nhân nói các câu đơn giản. Họ có nói lắp, nói không rõ lời, nói khó hiểu hay không?

T: Time (thời gian). Nếu nạn nhân có các dấu hiệu trên, nhiều khả năng họ đã bị đột quỵ. Cần lập tức gọi cấp cứu. Chữ T ở đây là thời gian (time), có ý nghĩa nhắc nhở là thời gian cấp cứu đột quỵ rất quan trọng, tính từng giây từng phút.

Bên cạnh các dấu hiệu nêu trên, đột quỵ còn có thể biểu hiện các triệu chứng và dấu hiệu khác như yếu hoặc tê một nửa người; giảm hoặc mất thị lực; đau đầu dữ dội, đột ngột, không có nguyên nhân rõ ràng, kèm theo nôn ói, hoa mắt, chóng mặt…

Xử trí:

Gần đây, trên internet và mạng xã hội Facebook, nhiều người lan truyền phương pháp cấp cứu đột quỵ bằng cách dùng kim chích vào mười đầu ngón tay và nặn máu ra. Phương pháp này không có căn cứ và hoàn toàn không chính xác, tuyệt đối không nên thực hiện theo.

Từ FAST giúp ghi nhớ dễ dàng các dấu hiệu đột quỵ. Từ này trong tiếng Anh có nghĩa là “nhanh chóng” cũng có ý nhắc nhở rằng cần hành động ngay lập tức nếu nhận thấy người nào đó có triệu chứng và dấu hiệu của đột quỵ. Cần tìm cách chuyển nạn nhân tới bệnh viện trong thời gian nhanh nhất, sớm nhất. Đột quỵ là một cấp cứu nội khoa. Việc cứu chữa sớm, kịp thời, đúng cách có thể giảm thiểu tổn thương ở não cũng như các biến chứng của đột quỵ.

Phòng ngừa đột quỵ

Phòng ngừa chính là phương pháp điều trị tiên phát nhằm giảm tần suất mắc bệnh và tỉ lệ tử vong của đột quỵ. Nhìn chung, chiến lược phòng ngừa tương tự giữa các lứa tuổi. Để phòng ngừa đột quỵ, cần xác định, loại bỏ, kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh song song với việc áp dụng một lối sống lành mạnh, điều độ.

Những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được của đột quỵgiống nhau giữa các nhóm tuổi. Tuy nhiên, tần suất của những yếu tố nguy cơ này khác nhau giữa người trẻ và người cao tuổi. Tăng huyết áp, bệnh tim mạch (bao gồm cả rung nhĩ), đái tháo đường là những yếu tố nguy cơ thường gặp nhất ở người cao tuổi. Ngược lại, người trẻ thường có các yếu tố nguy cơ như rối loạn chuyển hóa mỡ máu, hút thuốc và tăng huyết áp.

Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng ngừa đột quỵ, người trẻ cần áp dụng một lối sống điều độ, lành mạnh và loại bỏ các yếu tố nguy cơ của bệnh. Trong sinh hoạt hàng ngày, lưu ý: tuyệt đối không hút thuốc; thường xuyên vận động và tập thể dục ở mức vừa sức; có chế độ ăn hợp lý, ăn lạt, ít mỡ, ăn nhiều chất xơ, không uống rượu bia…; tránh để thừa cân; sống vui khỏe, điều độ, có giờ giấc nghỉ ngơi, tránh để bị stress; nếu có các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu thì cần theo dõi và điều trị ổn định các tình trạng này.


ThS.BS. NGÔ BẢO KHOA
Ý kiến của bạn