Đột quỵ não tuổi lên 3

09-01-2020 14:18 | Camera bệnh viện

SKĐS - Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP.HCM vừa thực hiện thành công can thiệp lấy huyết khối qua đường động mạch cho một bệnh nhi 3 tuổi bị đột quỵ nhồi máu não, lơ mơ liệt nửa người y như bệnh cảnh đột quỵ ở người lớn.

Sau 2 giờ can thiệp, động mạch bị tắc của bé đã được tái thông hoàn toàn. Hiện tại bé đã tỉnh táo, đang dần hồi phục sức cơ nửa người bên phải, đi đứng bình thường, tự ăn uống.

Trước đó, bé gái N.H.K (3 tuổi, An Giang) đang chơi đột ngột than đau đầu, nôn ói và yếu liệt dần, người nhà tức tốc đưa bé đến khám tại một BV địa phương. Bệnh nhi lơ mơ dần, liệt nửa người chỉ trong vòng 2 ngày và được các bác sĩ theo dõi viêm màng não. Tại BV Nhi đồng Thành phố, sau khi làm xét nghiệm và chụp CT khẩn, bệnh nhi được chẩn đoán chính xác đột quỵ nhồi mãu não, huyết khối lấp kín gây tắc mạch máu não, tiên lượng có khả năng tàn tật cao, nguy cơ đe dọa đến tính mạng...

Theo BS. Trần Quốc Tuấn. Giảng viên Bộ môn Ngoại Thần kinh ĐH Y Dược TP.HCM, đột quỵ ở trẻ em và người lớn về bản chất không khác nhau, đều là tình trạng nhồi máu não hoặc xuất huyết não có thể gây khiếm khuyết thần kinh và để lại di chứng, nặng hay nhẹ tùy thuộc vùng tổn thương cụ thể.

Đột quỵ trẻ em (28 ngày sau sinh đến 18 tuổi) có triệu chứng tương tự đột quỵ người lớn: động kinh, yếu chi, méo mặt, rối loạn thị lực, rối loạn phối hợp vận động, rối loạn ngôn ngữ ở trẻ lớn hơn…

BS. Tuấn cho biết, nếu ở đột quỵ người lớn yếu tố nguy cơ quan trọng nhất là xơ vữa, đột quỵ trẻ em thường do 3 nhóm nguyên nhân hay gặp nhất lại là bệnh tim bẩm sinh, bệnh Moya Moya (một loại bệnh lý tắc hẹp mạch não bẩm sinh) và bóc tách động mạch. Ngoài ra, có một số yếu tố nguy cơ khác có thể góp phần tăng tỷ lệ đột quỵ trẻ em, bao gồm bệnh trung mô toàn thân như Lupus, bệnh hồng cầu hình liềm, tình trạng tăng đông máu, loạn sản sợi cơ của động mạch, u mạch dạng hang trong não…

Theo Hiệp hội Đột quỵ Mỹ, với đột quỵ trẻ em, nhồi máu não có thể xảy ra ở 1  - 2/100.000 bệnh nhi, riêng xuất huyết não có thể xảy ra ở 1 – 1,7/100.000 bệnh nhi. Đặc biệt ở các nhóm nguy cơ cao như tình trạng sức khỏe mẹ khi mang thai (con so, tiền căn vô sinh, nhiễm trùng ối, thiểu ối, vỡ ối sớm, phải hỗ trợ hút khi sinh, phải sanh mổ cấp cứu, tiền sản giật, và rối loạn đông máu…); các yếu tố nguy cơ từ con bao gồm bệnh tim bẩm sinh, rối loạn đông máu, nhiễm trùng, chấn thương khi sinh, và ngạt khi sinh. Càng nhiều yếu tố nguy cơ, nguy cơ đột quỵ ở trẻ càng cao.

Đột quỵ trẻ em rất khó phòng ngừa lần đột quỵ đầu tiên do không thường gặp và kèm nhiều yếu tố nguy cơ. Đối với bệnh nhi đã điều trị đột quỵ cấp, BS. Tuấn khuyến cáo, phòng ngừa tái phát đột quỵ ở trẻ bằng cách điều trị các bệnh nền phù hợp: điều trị bệnh tim bẩm sinh như đóng lỗ thông tim, điều trị tình trạng tăng đông, cân nhắc truyền máu trong bệnh hồng cầu liềm, kháng tiểu cầu…



HƯƠNG CÁT
Ý kiến của bạn