Đột quỵ não - Quan trọng là phòng ngừa

25-09-2014 14:16 | Y học 360
google news

SKĐS - Giống như tên gọi “đột quỵ não”, một người đang khỏe mạnh đột ngột gục xuống, liệt nửa người, có thể hôn mê, hay dẫn đến tử vong hoặc sống với các di chứng nặng nề.

Tại Hội nghị về đột quỵ não khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2014 vừa diễn ra tại TP.HCM do Hội Thần Kinh Học TP.HCM phối hợp cùng Sanofi tổ chức, GS.TS. Lê Đức Hinh, Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam, đã dành cho Sức khỏe & Đời sống cuối tuần một cuộc trao đổi xung quanh đột quỵ não - bệnh lý thường gặp và đang chiếm hơn một nửa tổng số bệnh nhân điều trị tại các khoa Thần kinh ở các bệnh viện.

- PV: Thưa giáo sư, như thế nào thì gọi là đột quỵ não? Thực trạng bệnh lý này tại Việt Nam ra sao?

GS.TS. Lê Đức Hinh: Đột quỵ não (hay còn gọi là tai biến mạch não) là nhóm bệnh khá phổ biến. Thử hình dung, giống như tên gọi “đột quỵ não”, một người đang khỏe mạnh đột ngột gục xuống, liệt nửa người, có thể hôn mê, hay dẫn đến tử vong hoặc sống với các di chứng nặng nề. Chỉ có một số ít người là có thể hồi phục hoàn toàn hay gần hoàn toàn.

Hội nghị về Đột quỵ khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một trong những chương trình được Tập đoàn Sanofi tổ chức hàng năm tại châu Á nhằm cập nhật những phương pháp tiến bộ trong phòng ngừa và điều trị bệnh đột quỵ. Năm nay, các chuyên gia đã xem xét, đánh giá về tình trạng bệnh đột quỵ tại Việt Nam, sự khác biệt giữa đột quỵ châu Á so với phương Tây. Đặc biệt, chương trình dành nhiều thời gian để phân tích, thảo luận về đánh giá sớm và tiên đoán nguy cơ đột quỵ, phòng ngừa thứ phát dựa theo chứng cứ; liệu pháp kháng tiểu cầu kép trong điều trị cơn thoáng thiếu máu não và đột quỵ nhẹ. Những nội dung ý nghĩa này sẽ góp phần quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả trong việc phòng ngừa, kiểm soát tốt bệnh đột quỵ ở nước ta hiện nay.

Đột quỵ não thường xảy ra ở người cao tuổi, đặc biệt là nhóm trên 60 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, số người bị đột quỵ não đang có xu hướng trẻ hóa. Các nghiên cứu trong nước chưa nhiều nhưng ít nhất mỗi năm ước tính có khoảng 200 nghìn trường hợp đột quỵ não mắc mới, trong đó nhiều trường hợp bị tử vong và ở những người được cứu sống có thể mang nhiều di chứng nặng nề về thần kinh và tâm trí.

- PV: Giáo sư vừa nói các trường hợp đột quỵ não thường xảy ra một cách đột ngột mà không có triệu chứng báo trước. Trong khi đó, hậu quả và di chứng của bệnh để lại rất nặng nề. Vậy có cách nào nhận biết được những dấu hiệu để có hướng xử trí kịp thời không, thưa giáo sư?

GS.TS. Lê Đức Hinh: Chúng ta có thể căn cứ vào những dấu hiệu xảy ra có tính chất đột ngột sau để nhận biết đột quỵ não:

- Đột ngột nhức đầu dữ dội mà không có nguyên nhân rõ ràng.

- Đột ngột yếu, tê bì mặt, tay hoặc chân, đặc biệt là ở một nửa của cơ thể.

- Đột ngột không cử động được tay chân.

- Không nói được hoặc nói khó khăn hoặc không hiểu lời người khác nói.

- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt chỉ ở một mắt.

- Chóng mặt không giải thích được do nguyên nhân gì, mất thăng bằng hoặc phối hợp vận động, đặc biệt chóng mặt đi kèm với các triệu chứng kể trên.

GS. TS. Lê Đức Hinh

GS. TS. Lê Đức Hinh

Trong bệnh lý này, việc phát hiện các dấu hiệu vừa nêu trên vô cùng quan trọng để nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất, đặc biệt là trong 3 giờ đầu, còn gọi là “thời gian vàng”.

- PV: Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến bệnh đột quỵ não? Những yếu tố nguy cơ nào có liên quan đến bệnh, thưa giáo sư?

GS.TS. Lê Đức Hinh: Đột quỵ não là câu chuyện về chuyển hóa trong con người liên quan đến 2 nguyên nhân chính:

Một là mạch não bị tắc có thể do mạch máu bị xơ vữa làm lòng mạch hẹp dần và tắc tại chỗ hoặc cục máu đông hay mảng xơ vữa di chuyển từ những vị trí khác lên động mạch não và gây tắc.

Hai là mạch máu bị vỡ do tăng huyết áp đột ngột, vỡ dị dạng động mạch não.

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân có thể có cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua nhưng sau đó người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn trong vòng 24 giờ.

Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não bao gồm: tuổi tác (phần lớn sau 60 tuổi); giới tính (nam dễ mắc bệnh hơn nữ); mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như:tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, các bệnh tim mạch. Ngoài ra còn có nhiều yếu tố khác liên quan đến: tình trạng thừa cân, béo phì và các thói quen có hại như: hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia và nề nếp sinh hoạt như: ít vận động, làm việc mệt mỏi quá sức…

Tôi xin nói rõ là việc điều trị đột quỵ não là vô cùng khó khăn và phức tạp. Chưa kể nếu may mắn được cứu sống thì tiếp sau đó là một quá trình luyện tập trong nhiều tháng, nhiều năm để giúp phục hồi các chức năng cho cơ thể. Do đó, điều quan trọng hơn cả là phải làm gì để ngừa đột quỵxảy ra cũng như để phòng đột quỵ não tái phát

- PV: Giáo sư có thể nói rõ hơn để giúp người dân biết cách phòng ngừa đột quỵ não và cho biết ý nghĩa của việc đánh giá sớm, dự phòng thứ phát trong đột quỵ não?

GS.TS. Lê Đức Hinh: Dự phòng có ý nghĩa rất quan trọng trong đột quỵ não. Ở người chưa mắc bệnh, đây chính là việc phát hiện bệnh sớm và can thiệp kịp thời để ngăn ngừa xảy ra bệnh. Ở người đã mắc tai biến mạch não cần dự phòng bệnh tái phát.

Do chúng ta đã biết các yếu tố nguy cơ nên có thể phòng ngừa đột quỵ não bằng các cách sau:

Thay đổi nếp sống: tránh nếp sống tĩnh tại, ít vận động, tăng cường tập thể dục, vận động vừa sức sao cho phù hợp với tình hình sức khỏe và bệnh tật hiện tại.

Nếu béo phì thì cần giảm cân.

Không lạm dụng các chất kích thích như: thuốc lá, rượu bia.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên, điều trị các bệnh lý đi kèm, nhất là các bệnh lý rối loạn chuyển hóa như vừa kể trên.

Không ăn nhiều mỡ, chất ngọt, tinh bột.

Nên ăn nhiều rau củ quả.

Hạn chế muối.

Đời sống tình cảm tâm lý ổn định, tránh những xúc động hay chấn thương quá mức.

PV: Xin cám ơn giáo sư về cuộc trao đổi này.

Lời khuyên của thầy thuốc

“Khi thấy một người với các triệu chứng phổ biến nhất là: người bệnh đột ngột thấy tê, yếu hoặc liệt một nửa người, méo miệng, nói đớ lưỡi, không nói được, hoặc không hiểu lời người khác nói; cũng có thể đột nhiên bị mù mắt, chóng mặt, có thể nhức đầu dữ dội, nôn ói, lơ mơ hoặc hôn mê thực sự, phải nghĩ ngay tới đột quỵ và phải đỡ bệnh nhân (BN) để không bị té ngã, đặt nằm xuống chỗ thoáng khí; nếu nôn ói hoặc lơ mơ phải để nghiêng đầu sang một bên, lau sạch chất ói hoặc đàm dãi, thức ăn trong miệng để BN thở tốt, tránh hít sặc vào phổi, tuyệt đối không vắt chanh hay cho bất cứ thứ gì vào miệng BN. Sau đó gọi cấp cứu hoặc dùng xe nhanh chóng đưa BN tới bệnh viện gần nhất. 

“Tốt nhất là đưa BN đi cấp cứu ở tư thế nằm. Không cạo gió, cắt lễ, không tự ý dùng thuốc, kể cả thuốc hạ huyết áp mà BN đang uống hằng ngày, cũng không để mất thời gian chờ xem BN có khỏe lại hay không” - TS.BS.Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM.

CHÂU THÙY (thực hiện)


Ý kiến của bạn