Hà Nội

Đột phá ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính ở BHXH Việt Nam

01-01-2018 14:51 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - “Báo cáo Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2017” (Vietnam ICT Index 2017) của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam là cơ quan khai thác hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến,

vươn lên xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công được công bố. Đây được coi là một trong những dấu ấn đáng tự hào của BHXH Việt Nam trong năm 2017...

Vượt 3% chỉ tiêu người dân tham gia BHYT của Chính phủ giao

Tại Hội nghị Cung cấp thông tin thường kỳ tháng 12/2017 do BHXH Việt Nam vừa tổ chức, TS. Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam chia sẻ, năm 2017, với sự hỗ trợ tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp rất chặt chẽ, tích cực, chủ động của các bộ, ngành và các địa phương, toàn ngành BHXH đã nỗ lực cố gắng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ và đã đạt được những kết quả khả quan.Trung tâm điều hành hệ thống công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam.

Trung tâm điều hành hệ thống công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam.

Về phát triển đối tượng và bảo đảm nguồn thu cho quỹ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Năm 2017, tính đến thời điểm hiện nay đã có trên 13,5 triệu người lao động tham gia chính sách BHXH bắt buộc và gần 250 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện. Mỗi năm, qua vận động, thuyết phục, đề nghị được trên 1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc là sự cố gắng rất lớn trong bối cảnh hiện nay của ngành BHXH. Đặc biệt trong lĩnh vực BHYT, cho đến thời điểm hiện nay đã có gần 81 triệu người dân tham gia BHYT, chiếm khoảng 86% dân số và vượt 3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1167.

“Có thể nói, chúng ta đang tiến dần, tiến vững chắc đến mục tiêu BHYT toàn dân mà Quốc hội cũng như Chính phủ đã đặt ra. Và để bảo đảm việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT thì việc người dân, người lao động tham gia chính sách này là yếu tố cơ bản đầu tiên bảo đảm chính sách được thực thi tốt ở Việt Nam” - TS. Phạm Lương Sơn nói.

Toàn ngành BHXH tính đến thời điểm hiện tại đã thu được trên 290 nghìn tỷ đồng, vượt 101% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Song song với công tác thu vào quỹ BHXH, BHYT, thì toàn ngành đang rất tích cực, nỗ lực để giảm tỷ lệ nợ đọng. Đặc biệt, năm 2017, số tiền nợ giảm đáng kể. Nếu như tháng 11/2017, số tiền nợ là hơn 10.000 tỷ đồng thì hiện nay đã giảm xuống còn 5.737 tỷ đồng, chiếm 3% số kế hoạch thu BHXH do Thủ tướng Chính phủ giao, giảm 0,8% so với năm 2016.

Ngành BHXH cũng bảo đảm quyền lợi về BHXH cho hơn 9,9 lượt triệu người lao động với trên 113 nghìn tỷ đồng... Đặc biệt, trong lĩnh vực BHYT, đến ngày 25/12, toàn ngành đã bảo đảm cho trên 170 lượt triệu người đi khám BHYT, với tổng số chi dự kiến theo đề nghị của các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc khoảng trên 85 nghìn tỷ đồng.

Liên quan đến công tác giám định, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, ngành BHXH đã tập trung rà soát chi phí khám chữa bệnh BHYT quý III, quý IV trên hệ thống thông tin giám định điện tử, hướng dẫn BHXH các tỉnh phương thức, nội dung cần chú ý khi thực hiện giám định tự động. Hoàn thiện quy chế về việc tham gia đấu thầu thuốc của cơ quan BHXH tại các cơ sở y tế; tăng cường rà soát các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là những cơ sở khám chữa bệnh có cảnh báo trên Hệ thống thông tin giám định để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa những biểu hiện lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Giảm thiểu nhiều thủ tục hành chính

Trên lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, TS. Phạm Lương Sơn cho biết, BHXH Việt Nam cũng tích cực xây dựng hệ thống trao đổi, tích hợp thông tin thống nhất, tạo môi trường làm việc điện tử thông suốt trong nội bộ ngành cũng như kết nối với các ngành khác như: thuế, hải quan, kế hoạch đầu tư, tài chính, lao động thương binh và xã hội, y tế, ngân hàng và cơ sở khám chữa bệnh... Xây dựng, hoàn thiện cổng thông tin điện tử của ngành nhằm cung cấp các dịch vụ công cấp độ 3, 4.

Tính đến nay, ngành cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho gần 500.000 đơn vị sử dụng lao động, giúp giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 335 giờ/năm xuống còn 49 giờ/năm. Đến nay, đã giảm thiểu các bộ thủ tục, các quy trình nghiệp vụ từ 115 bộ năm 2016 còn 28 bộ. “Không dừng ở đó, theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, năm 2018 sẽ tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ, đồng bộ thành một quy trình thống nhất trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, đưa tất cả quy trình nghiệp vụ của ngành thành quy trình điện tử” - TS. Phạm Lương Sơn thông tin.

Bước đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin

Phó Tổng giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, ngành BHXH đã tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là một trong những điểm nhấn của năm 2017, mà theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông về xếp hạng các bộ ngành ứng dụng công nghệ thông tin và chỉ số sẵn sàng trong ứng dụng công nghệ thông tin thì BHXH Việt Nam đứng thứ 2/20 bộ ngành.Bộ phận một cửa BHXH quận Thanh Xuân.

Bộ phận một cửa BHXH quận Thanh Xuân.

“Báo cáo Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2017” (Vietnam ICT Index 2017) của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan khai thác hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, với hơn 28,6 triệu hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến trong năm 2016 và tiến 18 bậc, vươn lên xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công được công bố” - Phó Tổng giám đốc Phạm Lương Sơn dẫn chứng.

Có được kết quả như vậy trước hết là do ngành BHXH xây dựng thành công Bộ cơ sở dữ liệu về hộ gia đình tham gia BHYT đồng bộ với 66,82% cơ sở dữ liệu về phát hành sổ BHXH, thẻ BHYT. Ngành đã cấp trả sổ BHXH theo quy định của Luật BHXH. Thông qua việc đồng bộ cơ sở dữ liệu đã trả được khoảng 70% số sổ BHXH cho người lao động, đạt mục tiêu Quốc hội cũng như Chính phủ giao phó.

Hiện nay, toàn bộ ứng dụng công nghệ thông tin của ngành BHXH đã được triển khai theo kiến trúc Chính phủ điện tử. Trung tâm Điều hành hệ thống công nghệ thông tin của ngành BHXH đưa vào sử dụng các phần mềm nghiệp vụ có chức năng kết nối liên thông dữ liệu toàn diện (kết nối giữa Trung ương với địa phương, kết nối giữa các lĩnh vực thu, chi, sổ, thẻ, giải quyết chế độ chính sách...).

Từ năm 2016, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam xây dựng thành công cơ sở dữ liệu của hơn 90 triệu người, với hơn 10 trường dữ liệu cơ bản. Đây là cơ sở để ngành hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần tiến tới hoàn thiện sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử trong năm 2018.

Trong công nghệ thông tin, ngành BHXH đã thiết lập được hệ thống mã số BHXH, hay còn gọi là mã ID cho mỗi người dân ở Việt Nam, từ lúc sinh ra đến khi mất đi sẽ có một mã số duy nhất. Mã số này là một trong những công cụ tích cực để người dân, người lao động tự mình tra cứu và kiểm soát quá trình đóng hưởng cũng như là cơ sở để bảo đảm cho việc thụ hưởng cả quyền lợi BHXH, BHYT và tích hợp các cơ sở dữ liệu của bộ, ngành khác có liên quan với vị trí là một trong 6 hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia...

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết thêm, ngành BHXH cũng hoàn thiện hệ thống giao dịch điện tử trên Cổng Thông tin điện tử của ngành; hoàn thiện hệ thống phần mềm từ thu, sổ thẻ đến hệ thống tài chính để bảo đảm thuận lợi cho các tổ chức, người dân khi giao dịch với cơ quan BHXH. Đây là cơ sở giúp giảm giờ giao dịch hiện nay xuống còn 49 giờ và phấn đấu vào top ASEM 4 theo chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh đó, ngành BHXH đã đưa vào vận hành hệ thống thông tin giám định BHYT hay còn gọi là giám định điện tử. Tức là, tất cả những quá trình người bệnh đi khám bệnh cũng như dữ liệu về tạm ứng hay quyết toán, dữ liệu về chi phí khám chữa bệnh, dữ liệu của các cơ sở khám chữa bệnh sẽ được công khai trên hệ thống thông tin giám định. Đây là một công cụ rất tích cực để tiến tới quản lý sức khỏe cho người dân ở y tế cơ sở thông qua sổ quản lý sức khỏe.

Năm 2017, ngành BHXH đã đưa vào vận hành thành công hai đơn vị. Thứ nhất là Trung tâm Điều hành hệ thống công nghệ thông tin của toàn ngành theo hướng Chính phủ điện tử, tập trung thống nhất ở Trung ương thay vì phân tán rời rạc ở 63 tỉnh, thành phố, cũng như trên 750 huyện như thời điểm năm 2016. Ngành BHXH cũng đã đưa Trung tâm Dịch vụ khách hàng vào phục vụ với đầu số hotline 1900969668, bảo đảm trực 24/24 giờ, để có thể trả lời tất cả các vướng mắc của các tổ chức,

doanh nghiệp, người dân liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn