Thời gian thực hiện thủ tục hành chính về BHXH, BHYT giảm còn 45 giờ
Ông Lê Anh Sơn - Giám đốc Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) cho hay, hiện nay, ngành BHXH có gần 20 hệ thống và các ứng dụng nghiệp vụ quan trọng đã và đang được triển khai với nhiều riêng biệt, thiếu tính liên kết khiến chất lượng cung cấp các dịch vụ CNTT và các dịch vụ hỗ trợ trong công tác vận hành và đảm bảo an ninh thông tin chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Trong khi cơ sở dữ liệu ngành BHXH là của hơn 92 triệu dân, được Chính phủ quyết định là một cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều những thách thức về an toàn thông tin… đòi hỏi ngành BHXH cần có một hệ thống CNTT đủ mạnh. Do đó, từ năm 2016, BHXH Việt Nam lập kế hoạch, xây dựng lộ trình triển khai Trung tâm điều hành hệ thống CNTT và Trung tâm dịch vụ khách hàng trên cơ sở quản lý tập trung, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân, người lao động, đơn vị sử dụng lao động ngày càng tốt hơn thông qua môi trường mạng với những giải pháp quyết liệt trong việc ứng dụng CNTT…
Tính đến thời điểm hiện tại, BHXH Việt Nam đã cung cấp 14 thủ tục hành chính mức độ 3 và 4 với 236.546 đơn vị thực hiện giao dịch và tổng số hồ sơ giao dịch điện tử là 2.375.633 hồ sơ, trong đó có 18,5 triệu hồ sơ của TTHC cho đơn vị tham gia lần đầu, điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN. Với dịch vụ công trực tuyến của BHXH, số lượng TTHC từ 115 năm 2015 giảm xuống còn 28 TTHC (tính đến 1/7/2017) với nhiều hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả để doanh nghiệp lựa chọn như: giao dịch điện tử, giao dịch qua dịch vụ bưu chính…
Trung tâm điều hành CNTT của BHXH Việt Nam
Đặc biệt, các dịch vụ công trực tuyến của BHXH Việt Nam đã giúp các đơn vị tham gia BHXH chủ động thời gian nộp hồ sơ, có thể nộp hồ sơ vào bất cứ lúc nào, thậm chí cả ngày lễ, ngày nghỉ, qua đó giúp các cá nhân, doanh nghiệp tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng chi phí đi lại, chuyển phát, in ấn. Dấu ấn dịch vụ công trực tuyến của BHXH Việt Nam đạt kết quả ấn tượng nhất là việc giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính của các doanh nghiệp, đơn vị tham gia BHXH, BHYT từ 335 giờ/năm xuống còn 45 giờ/năm.
Giám sát chặt hành vi trục lợi BHXH, BHYT
Theo Giám đốc Trung tâm CNTT Lê Anh Sơn, Trung tâm điều hành hệ thống CNTT sẽ là đầu mối quản lý vận hành các hệ thống phần mềm, bao gồm: Hệ thống thông tin giám định BHYT, hệ thống quản trị các phần mềm và cơ sở dữ liệu tập trung, hệ thống số hoá hồ sơ lưu trữ điện tử, hệ thống quản lý email, hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống đào tạo trực tuyến, hệ thống cổng và các dịch vụ công trên cổng, hệ thống chăm sóc khách hàng... Quản lý hạ tầng, hệ thống mạng (bao gồm cả mạng WAN và mạng kết nối tới các bộ, ngành và các bên liên quan), hệ thống máy chủ, hạ tầng kỹ thuật của BHXH Việt Nam. Kết nối, xử lý thông tin của hệ thống thông tin ngành BHXH với các bên liên quan. Hướng dẫn, hỗ trợ, giải đáp vướng mắc cho các đối tượng sử dụng hoặc có kết nối với các hệ thống CNTT đặt tại trung tâm dữ liệu ngành…
Hệ thống này là cơ quan đầu não, quản lý và liên thông tất cả các phần mềm nghiệp vụ ngành BHXH tập trung tại Trung ương. Phần mềm quản lý sẽ được tích hợp ngay trên điện thoại lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố và Ban lãnh đạo của BHXH Việt Nam để giúp cho việc quản lý, chỉ đạo, điều hành các hoạt động chuyên môn được tốt hơn. Ngoài ra, hệ thống sẽ tổng hợp kiểm soát, “kiểm tra chéo” giữa các phần mềm để phát hiện hành vi trục lợi Quỹ BHXH, BHYT, tránh tình trạng người tham gia báo mất thẻ BHYT để được cấp nhiều thẻ đi nhiều cơ sở khám, chữa bệnh lấy thuốc; hoặc báo hưởng bảo hiểm tự nguyện nhưng vẫn đang có việc làm tại doanh nghiệp mới.
Bên cạnh đó, hệ thống Trung tâm có thể tổng hợp về lịch sử, hồ sơ của người tham gia BHXH, BHYT, giúp quá trình giải quyết chế độ và giải đáp chính sách, pháp luật BHXH, BHYT nhanh chóng, kịp thời - đây là bước tiến rất quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính.