Đột phá trong nghiên cứu u hắc tố

10-02-2017 07:20 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Các nhà nghiên cứu tại Đại học công nghệ Queensland (QUT) ở Úc đã phát hiện ra cách mà tế bào u hắc tố lan rộng trong cơ thể. Phát hiện này có thể mở đường cho các phương pháp điều trị mới bằng cách “tắt” gen khiến u hắc tố lan rộng.

Đột phá trong nghiên cứu u hắc tố

Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Aaron Smith thuộc QUT cho biết: “Ung thư đặc trưng bởi sự tăng trưởng không kiểm soát của các tế bào, song nếu tăng trưởng không kiểm soát là vấn đề duy nhất thì các tế bào ung thư có thể điều trị bằng phẫu thuật. Điều khiến ung thư nguy hiểm là chúng có xu hướng xâm lấn các mô và di căn tới các vùng khác trong cơ thể. U hắc tố di căn là một trong những dạng ung thư nguy hiểm và khó điều trị nhất”.

Nhóm nghiên cứu đã xem xét các tế bào u hắc tố và phát hiện ra rằng, một số tế bào chủ yếu là tăng sinh và một số xâm lấn và di căn. Các tế bào u hắc tố có thể chuyển đổi giữa hai hành vi. Nhóm của tiến sĩ Smith phát hiện ra rằng, sự thay đổi trong hành vi được cho thấy bởi biểu hiện của hai yếu tố điều chỉnh khác nhau, MITF đối với các tế bào tăng sinh và BRN2 đối với các tế bào xâm lấn.

Tiến sĩ Smith cho biết: “Chức năng của BRN2 là làm giảm biểu hiện MITF để làm chậm quá trình tăng sinh và chuyển các tế bào sang trạng thái xâm lấn. Nghiên cứu của chúng tôi đã xác định được con đường cho phép BRN2 thực hiện việc này, trước hết bằng cách tăng biểu hiện của một yếu tố điều chỉnh khác là NFIB kiểm soát chương trình xâm lấn trong các tế bào. Một đích quan trọng của NFIB là enzyme E2H2 tạo ra những thay đổi diện rộng về hoạt động tế bào”.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng, E2H2 hướng về phía biểu hiện các gen xâm lấn và “tắt” MITF để ngăn ngừa tăng sinh. Smith cho rằng, nghiên cứu này có thể giúp đưa ra đích điều trị thuốc và cho phép các nhà nghiên cứu ngăn ngừa việc thay đổi hành vi xâm lấn và lan rộng của các tế bào u hắc tố. Nghiên cứu được đăng trên tờ EBiomedicine.


BS P.Liên
Ý kiến của bạn