Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội vừa phát hiện, thu giữ một số lượng lớn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm của Công ty TNHH Thương mại quốc tế Bách Phương, có địa chỉ tại ngõ 678 Đê La Thành (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội). Công ty này được thành lập và hoạt động từ năm 2011 và đến tháng 4/2013 bắt đầu sản xuất và chỉ bị phát hiện khi các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra.
Hồn Trương Ba, da hàng thịt"
Sau một thời gian dài theo dõi các hoạt động của Công ty TNHH Thương mại quốc tế Bách Phương, Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an TP. Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát môi trường - Công an quận Ba Đình và Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 - Chi cục QLTT Hà Nội, ngày 4/10, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện cơ sở này đang có hoạt động sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Chủ cơ sở là Đoàn Thị Dung, trú ở Hoài Đức, Hà Nội, đã không xuất trình được giấy phép sản xuất mỹ phẩm; không công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; không có giấy tờ, hóa đơn chứng minh xuất xứ của nguyên liệu dùng để sản xuất mỹ phẩm; bao bì nhãn mác của sản phẩm mà cơ sở này sản xuất, đóng gói đều in chữ nước ngoài. Tiếp tục kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện tại cơ sở này có hàng ngàn hộp mỹ phẩm làm trắng da, mỹ phẩm trị nám tàn nhang, kem ngăn ngừa nấm, kem đặc trị mụn có bao bì nhãn mác in chữ nước ngoài với tên sản phẩm là Ecolly.
Hàng mỹ phẩm giả và thật.
Tại cơ quan công an, Đoàn Kim Dung khai nhận, nguyên liệu để sản xuất mỹ phẩm, vỏ bao bì được Dung mua trôi nổi trên thị trường Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh) sau đó đem về tự pha chế và đóng gói vào lọ với trọng lượng là 30g/lọ. Bao bì và nhãn mác của sản phẩm mà cơ sở Dung sản xuất, đóng gói đều in chữ nước ngoài, rồi đem bán cho các trung tâm chăm sóc sắc đẹp, các thẩm mỹ viện, cơ sở massage, gội đầu trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhãn sản phẩm “Ecoly” là do Dung và đồng bọn tự nghĩ ra và đặt tên. Để tiêu thụ các sản phẩm mỹ phẩm giả này, Dung quảng cáo trên các trang mạng và diễn đàn là có nguồn gốc từ thiên nhiên, được điều chế theo công nghệ của Pháp. Một bộ mỹ phẩm này, Dung đem bán ra thị trường với giá từ 1,5 - 1,6 triệu đồng. Về quy trình sản xuất, Dung khai nhận, nguyên liệu có vỏ hộp, vỏ lọ và bột kem, Dung cũng cho mua tại Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh).
Trao đổi với PV, Thượng tá Trần Quốc Dũng, Phó trưởng phòng Cảnh sát Môi trường cho biết, hiện số mỹ phẩm này đang được cơ quan chức năng thu giữ để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Lỗ hổng quản lý
Trước đó, Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan TP.HCM vừa lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu L.T. về hành vi nhập khẩu hàng hóa không khai báo hải quan, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, trị giá hơn 5 tỷ đồng. Theo đó, kiểm tra thực tế lô hàng, Cơ quan Hải quan phát hiện ngoài số hàng đúng với khai báo hải quan còn có một lượng lớn (hơn nửa container) hàng không khai báo hải quan, trong đó có 2.659 chai nước hoa mang nhãn hiệu nổi tiếng như Calvin Klein, Chalnel, Gucci có xuất xứ Pháp và một số loại không thể hiện xuất xứ. Sau thời gian thẩm định từ các đơn vị chủ sở hữu các thương hiệu nước hoa nêu trên, Cơ quan Hải quan xác định toàn bộ số nước hoa nêu trên là giả mạo nhãn hiệu. Với hành vi nhập khẩu không khai báo, nhập khẩu hàng phải có giấy phép mà không xuất trình được giấy phép, nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, lô hàng của Công ty L.T. ẩn lậu trên 161 triệu đồng tiền thuế.
Thực tế thị trường mỹ phẩm nói chung đang báo động tình trạng, giả, nhái tràn lan khó kiểm soát. Lợi dụng việc sính hàng ngoại của một bộ phận lớn người tiêu dùng, một số công ty đã làm ăn phi pháp, vì lợi nhuận mà quên đi sức khỏe người tiêu dùng. Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ mỹ phẩm mà các mặt hàng khác, phổ biến nhất là các mặt hàng thời trang (quần áo, giày dép...) và hàng gia dụng, thực phẩm, hàng Trung Quốc gắn mác “Made in Frane, Made in Italia...” tràn lan, đã không còn là hiện tượng bột phát, nhỏ lẻ, nhập theo đường tiểu ngạch mà đang là một trào lưu. Dạng hàng hóa ngụy trang này đang khiến thị trường nội địa gặp khó khăn.
Theo đánh giá của Chi cục QLTT Hà Nội, các mặt hàng này nhập lậu vào Hà Nội từ nhiều nguồn, phần lớn số vụ vi phạm mà lực lượng QLTT kiểm tra phát hiện là hàng tiêu dùng nhập lậu có xuất xứ Trung Quốc do giá rẻ, đa dạng về mẫu mã. Thực tế, để xác định nguồn gốc thực của hàng đội lốt hàng ngoại rất khó nếu không bắt quả tang tận nơi sản xuất. Trước đây hàng giả thường là hàng nội giả hàng ngoại, hàng nội giả hàng nội, thì giờ xuất hiện cả hàng ngoại giả hàng ngoại, hàng ngoại giả hàng nội được sản xuất ở nước ngoài nhập lậu vào trong nước để trục lợi. Nhiều người tiêu dùng buộc phải chấp nhận một sự thật cho dù có là “người thông thái” cũng khó để phân biệt được thực, hư xuất xứ của hàng hóa đang được lưu thông trên thị trường.
Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, hiện có nhiều nguồn hàng Trung Quốc nhập về Hà Nội, nhưng trong đó phần lớn hàng giả, hàng nhái, như mỹ phẩm các loại, quần áo, đồng hồ, kính mắt, túi xách, gas, mực in vi tính, thiết bị vệ sinh, thiết bị điện, điện tử, phụ tùng xe máy... Trong những vụ việc lực lượng QLTT Hà Nội phát hiện, bắt giữ từ đầu năm đến nay có đến 90% hàng hóa bị tạm giữ, tịch thu, tiêu hủy là hàng Trung Quốc.
Hoàng Mai