Hà Nội

Đốt hương, vàng mã là nguyên nhân gây nên nhiều vụ cháy rừng

01-07-2019 09:18 | Thời sự
google news

SKĐS - Do thời tiết nắng nóng kéo dài nên từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra hàng chục vụ cháy, với diện tích bị cháy gần 119 ha; trong đó, có 20 vụ cháy rừng trồng kinh tế (trồng thông và keo).

Chiều 30/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã thị sát, kiểm tra công tác chữa cháy rừng tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và yêu cầu các cấp chính quyền, các lực lượng không được chủ quan khi trọng điểm mùa hè khắc nghiệt vẫn tập trung cao nhất trong tháng 7 và Hà Tĩnh là một trong những điểm xung yếu nhất về cháy rừng.

“Các lực lượng phải cắt trực thường xuyên, bố trí nhân lực, phương tiện và phương án “4 tại chỗ” sẵn sàng ứng phó các diễn biến mới trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Hà Tĩnh bám sát công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống cháy rừng và cháy nổ tại khu dân cư; các lực lượng cần thực hiện phương án vừa ứng cứu tại chỗ, vừa có thể bổ sung, chi viện cho các điểm khác. Đồng thời, phải rà soát lại những điểm đã được khống chế, tiếp tục xử lý những đám cháy còn tiềm ẩn; luôn luôn giữ liên lạc, đảm bảo an toàn cao nhất cho các lực lượng tham gia và người dân sống sát chân núi nơi có xảy ra cháy.

Các lực lượng cứu hộ nắm chắc quân số, thường xuyên giữ liên lạc, hỗ trợ nhau kịp thời, không để xảy ra tình huống nguy hiểm tới tính mạng. Chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, đa dạng các kênh thông tin chuyển đến người dân, trong thời tiết nhạy cảm cần nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không được đốt rác, thực bì tùy tiện, gây ra các nguy cơ cao cháy rừng trở lại….

Trong 3 ngày qua, Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra cháy rừng trên 200 ha của 4 huyện là Hương Sơn, Nghi Xuân, Hồng Lĩnh và Cẩm Xuyên. Đặc biệt, tại huyện Nghi Xuân, ngọn lửa cháy lan rộng, tái phát nhiều lần. Tính đến nay, có khoảng 60 ha rừng thông thuộc rừng phòng hộ bị thiêu cháy.

Ngày 30/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cùng đoàn công tác của Bộ đã có buổi đi kiểm tra và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, vào buổi sáng, ông Tuấn cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra hiện trạng các vụ cháy rừng vừa xảy ra ở phường Thủy Châu (thị xã Hương Thủy) nơi có tuyến đường điện 500kV đi qua và vụ cháy rừng thông sát khu dân cư và khu di lịch sinh thái tại phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà.

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 349 nghìn ha đất rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp (trong đó, diện tích đất có rừng trên 311 nghìn ha). Để đảm bảo tốt cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là chủ động ngăn ngừa các nguy cơ có thể xảy ra cháy rừng từ hoạt động khai thác rừng trồng, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định 6 vùng trọng điểm về cháy rừng trên địa bàn tỉnh để tập trung chỉ đạo; Ban chỉ đạo các cấp cũng đã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2019 với phương châm “4 tại chỗ, 5 sẵn sàng”.

Hiện trường vụ cháy rừng trồng thông và keo nơi có tuyến đường điện 500kv đi qua.

Tuy vậy, do thời tiết nắng nóng kéo dài nên từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh vẫn có xảy ra hàng chục vụ cháy, với diện tích bị cháy gần 119 ha; trong đó, có 20 vụ cháy rừng trồng kinh tế (trồng thông và keo).

Đặc biệt, vào những ngày cuối tháng 6/2019 do thời tiết nắng nóng gay gắt nên đã liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy rừng tại 4 phường/xã thuộc thị xã Hương Thủy và Hương Trà, với tổng diện tích thiệt hại khoảng 82 ha.

Sau khi xảy ra các vụ cháy, Ban chỉ đạo tỉnh đã huy động hơn 1.600 người tham gia, gồm tất cả các lực lượng cùng phương tiện các loại để tổ chức cứu chữa, dập tắt các vụ cháy rừng, đến ngày 29/6 các vụ cháy đã dập tắt hoàn toàn.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo tỉnh, trong số các vụ cháy rừng, đã xác định được nguyên nhân 23 vụ (trong đó có 17 vụ do xử lý thực bì thiếu kiểm soát, 2 vụ sơ ý sử dụng lửa và đạn lân tinh tự phát nổ do điều kiện nắng nóng, 4 vụ do người dân đốt hương vàng mã), còn 4 vụ đang xác định nguyên nhân.

Đoàn kiểm tra tình hình các vụ cháy rừng vừa xảy ra tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chấm dứt hẳn việc dùng lửa để xử lý thực bì đối với rừng trồng

Tại buổi làm việc, sau khi nghe ý kiến các ngành chức năng của tỉnh về nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng và những khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, cho biết do tình hình nắng nóng kéo dài nên đã xảy nhiều vụ cháy rừng không riêng chỉ ở Thừa Thiên Huế mà ở nhiều nơi tại khu vực miền Trung. Từ kết quả báo cáo, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá cao sự cố gắng của các cấp, ngành tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; đặc biệt là đã nhanh chóng chữa cháy và dập tắt được 3 vụ cháy rừng lớn xảy ra trong những ngày qua không để cháy lan ra diện rộng.

Ông Tuấn cho rằng, thời gian tới vẫn còn cao điểm của mùa khô hạn, nên tỉnh cần bám sát 5 các giải pháp chỉ đạo tại Công điện của Thủ tướng chính phủ để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo và cương quyết không để xảy ra cháy rừng, nhất là đối với các khu rừng có các công trình trọng điểm quốc gia (đường dây 500kv); phải kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng và phải chấm dứt hẳn việc dùng lửa để xử lý thực bì đối với rừng trồng.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị, tỉnh cần phát huy tốt vai trò của Ban chỉ đạo các cấp, nhất là người chỉ huy, bởi nếu chỉ huy không tốt thì sự phối hợp cũng sẽ không tốt; về lâu dài, cần phải có phương án bài bản, trong đó phải có dự án đầu tư trung hạn cho công tác này.

Chống cháy rừng và mưa lũ

Hiện nay, không chỉ Thừa Thiên Huế mà ở các tỉnh có diện tích rừng cũng đang căng mình trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tuy nhiên, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng phải chuẩn bị công tác phòng chống mưa lũ và phương án xử lý hình thái thời tiết bất thường như sau nắng nóng là có mưa đá, lốc xoáy, nhất là mưa lũ bất thường gây sạt lở đất đá.

Đối với diện tích rừng bị cháy cần có giải pháp để phục hồi rừng và xây dựng kế hoạch trồng lại đối với những diện tích không thể phục hồi được nhằm đảm bảo cho công tác quản lý rừng sau này.

Lê Nguyên
Ý kiến của bạn