Mỗi người thường có một nghề và nghề phê bình văn học chắc chắn là công việc của người phân tích tác phẩm, chỉ ra cái hay dở để làm bài học chung cho người làm văn có tác phẩm hay hơn, công chúng được dẫn đường vì có người bồi bổ sự hiểu biết. Càng người nổi tiếng, công chúng càng háo hức biết con đường dẫn đến sự nổi tiếng của họ để thông cảm, thán phục và nhân lên sự ngưỡng mộ. Nhiều khi sự ngưỡng mộ trở thành niềm tự hào về nước Nam ta, người Việt ta có được những tác giả này, những tác phẩm nọ tồn tại với thời gian, vượt ra khỏi biên giới thành niềm kiêu hãnh quốc gia...
Thiên chức của nhà phê bình nói riêng và người cầm bút nói chung thật đáng quý và đáng trân trọng. Thế nhưng một dạo nổi lên "mốt" viết hồi ký, tự truyện mà trong đó nhắc đến những người nổi tiếng với những chi tiết riêng tư "lần đầu công bố", phần lớn là chuyện con oán cha, đồng nghiệp bêu nhau và quả cũng có chút "hấp dẫn" như thể chuyện đánh chửi nhau trên đường hoặc có bà điên múa may cũng khối người xúm xít xem, huống chi là chuyện bí mật của người nổi tiếng! Tuy nhiên, xem xong, dư luận "bắt bài" được ngay mục đích của các tác giả trên muốn được nổi tiếng hoặc có chút tiếng tăm nhưng "hết đát" muốn hâm nóng lại tên tuổi của mình.
"Mốt" xưa tưởng đã lỗi thời nhưng gần đây lại xuất hiện tập ghi chép của một nhà phê bình về một nhà văn nổi tiếng tung trên mạng. Cả tập ghi chép biên rõ ngày tháng năm những là ông này ông kia, nhận xét về nhà văn nọ thế nào. Nhà văn nổi tiếng từng có phát biểu ra sao. Tất nhiên phần lớn người được dẫn ra đều đã khuất núi và dường như tác giả tập ghi chép có vẻ "khách quan" cho mục đích "đốt đền" của mình! Chuyện cũng chẳng có gì lạ bởi xưa nay cứ phải "hạ bệ thần tượng" thì thiên hạ mới biết đến mình chứ có ai lôi chuyện thật của người bình thường như bà bán bánh mỳ, ông xích lô để "ghi chép" thành sách!
Đọc tập ghi chép của nhà phê bình nọ mà giật mình. Nếu quanh ta có người chăm chăm biên chép mọi phát ngôn của ta để rồi sử dụng trong một dịp thích hợp thì sẽ ra sao nhỉ! Cuộc sống sẽ mất đi sự hồn nhiên mà luôn thường trực sự cảnh giác sao? Phát ngôn bên bàn nước lúc trà dư tửu hậu nếu được dẫn ra trong một "công trình" như một dẫn chứng về quan điểm, sự đánh giá của người đó quả là sự xuyên tạc về tinh thần lời nói. Không lẽ nhà văn nổi tiếng có thể có lúc đùa “Văn của tôi ba láp có phải nghị quyết đâu mà phải sửa từng chữ" là ông không coi trọng văn mình và đấy là sự phát hiện của nhà phê bình!? Trên thực tế, trong cuộc sống không ít người hay ngẫu hứng (nhất là văn nghệ sĩ) giễu mình, giễu bạn và nếu cứ trích dẫn ra trong những tập "ghi chép nghiêm túc" thì chắc cuộc sống này là một đống bùn, ai cũng đều là rác hết! Không biết trong cuộc đời nhà phê bình nọ có lúc nào cao hứng trong lúc chuyện trò chê người này, đùa người kia để rồi có người biên chép vào sổ và dẫn ra chứng minh đấy là nhận định của ông về bạn bè, đồng nghiệp, liệu ông nghĩ sao?
Phục nhà phê bình nọ ở sự cần mẫn ghi chép nhưng sự ghi chép và công bố này giúp gì cho sự phát triển văn học nước nhà hay cũng chỉ như mấy bà "buôn dưa lê" biết vanh vách danh ca nào vừa đi nhổ răng, danh hài nào vừa bỏ vợ để cũng mong nổi tiếng như người nổi tiếng! Giá như nhà phê bình nọ khen chê rành mạch về tác phẩm, thậm chí cả về nhân cách nhà văn với sự phân tích theo chính kiến của mình chắc sẽ được tôn trọng hơn là việc mượn lời người này người nọ để nói về người khác mà dân ta vẫn gọi là "đưa chuyện".
Xin trích một đoạn ngay trong tập "ghi chép" thay cho cảm nghĩ khi đọc "tác phẩm" này: Nhà văn lớn nước ngoài thấy rõ người ta định lớn - người ta muốn cạnh tranh cả với Chúa (...) Ở ta chỉ có vài ao ước tìm ra một chỗ đứng trong đời sống, len lỏi để có thể bám trụ được và từ đó nhìn ra với nụ cười hể hả: ta không chết. Và nỗi lo lớn nhất là cạnh tranh với đồng nghiệp, ghi điểm trước đồng nghiệp.
Đốt đền chẳng sợ đền cháy, chỉ ngại khói đốt đền gây ô nhiễm..
Lê Quý Hiền