Hà Nội

Đốt bấc chữa ung thư gan, nam thanh niên 32 tuổi nhập viện

20-08-2021 14:34 | Ung thư
google news

SKĐS - Nam bệnh nhân 32 tuổi ở Cao Bằng có tiền sử viêm gan đã nhiều năm, bệnh nhân không vào viện điều trị mà tự chữa bệnh tại nhà bằng đốt bấc.

Lo sợ ung thư gan, nam bệnh nhân 32 tuổi nhập viện do tự chữa tại nhà

Nguy kịch vì tự đốt bấc để chữa xơ gan

Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa tiếp nhận bệnh nhân T.V.H, 32 tuổi, trú tại huyện Thạch An. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vàng da, mệt mỏi, ăn ngủ kém, đau tức hạ sườn phải, bụng chướng căng.

Người nhà cho biết, bệnh nhân có tiền sử viêm gan đã nhiều năm. Mấy tháng nay xuất hiện mệt mỏi, chán ăn, đau bụng nhiều. Do được người khác mách bảo nên không đi khám mà điều trị bằng đốt bấc.

Lo sợ ung thư gan, nam bệnh nhân 32 tuổi nhập viện do tự chữa tại nhà - Ảnh 1.

Bệnh nhân đốt bấc tự chữa xơ gan tại nhà. Ảnh: BVCC

Sau thời gian điều trị không thấy đỡ, cơ thể gầy yếu, xanh xao, bụng chướng, gia đình đã đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh khám và điều trị.

Các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm cho biết, sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm gan, xơ gan, theo dõi ung thư gan.

Ths. Bs Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP. HCM, khẳng định, hiện nay ung thư chỉ có thể điều trị khỏi khi được điều trị theo những phương pháp khoa học đã được kiểm chứng như: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị... Tùy vào thể trạng của mỗi bệnh nhân các bác sĩ sẽ áp dụng một phương pháp điều trị sao cho phù hợp nhất.

Bác sĩ Vũ chia sẻ, trên thực tế tại bệnh viện đã có nhiều bệnh nhân ung thư bỏ dở điều trị để theo các phương pháp điều trị không chính thống uống thuốc lá, đắp lá, mài sừng tê giác ngâm rượu… và khi quay lại điều trị tại bệnh viện thì đã quá khả năng cứu chữa vì người bệnh đã bỏ qua "thời gian vàng" để điều trị khỏi.

Hiện nay chưa có ngiên cứu khoa học nào chứng minh đắp thuốc lá, uống cây, con hay sử dụng bài thuốc dân gian mà chữa khỏi được ung thư - Bác sĩ Vũ cho biết.

Suy giảm chức năng gan ở người có tiền sử xơ gan

Theo các bác sĩ, những bệnh nhân có tiền sử viêm gan, xơ gan có dấu hiệu suy giảm chức năng của gan dẫn đến các tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể.

Người bệnh sẽ có dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, ớn lạnh, ra nhiều mồ hôi, ăn nhanh no hoặc đầy hơi sau khi ăn, thường xuyên bị sốt nhẹ hoặc cao, da mặt sạm đen (do suy giảm chức năng chuyển hóa melanin của gan), đau vùng bụng trên, bên phải.

Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có các triệu chứng như đau hạ sườn phải ngày càng tăng, gan nở to hoặc có khối u, người bệnh có thể tự sờ thấy, chướng bụng (do tụ dịch trong bụng). Luôn có cảm giác ngứa ở ngoài da (do tăng lượng bilirubin trong máu). Vàng da, niêm mạc và kết mạc mắt vàng. Đi phân nhạt màu, nước tiểu sẫm màu. Chảy máu bất thường (chảy máu lợi, chân răng, xuất huyết dưới da). Sụt cân đột ngột, không rõ nguyên nhân.

Khi đã được chẩn đoán viêm gan, xơ gan người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ khuyến cáo. Mục đích là để làm chậm quá trình xơ hoá ở gan, giảm triệu chứng bệnh đồng thời ngăn chặn biến chứng xảy ra.

Để ngăn ngừa gan xơ hoá cần xây dựng chế độ ăn uống và duy trì thói quen sống lành mạnh, nghỉ ngơi phù hợp, vận động ngoài trời với cường độ phù hợp, biết cách kiểm soát cảm xúc, luôn giữ tinh thần lạc quan. Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, việc lạm dụng thuốc hoặc sử dụng sai liều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến gan.

Khi tự sử dụng các phương pháp dân gian như đốt bấc, ban đầu có thể thấy đỡ đau, đỡ chướng bụng nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Sau đó tình trạng của người bệnh sẽ nặng lên, hoặc có diễn biến nặng nề mới đến bệnh viện sẽ gặp khó khăn hơn trong quá trình điều trị.

Lo sợ ung thư gan, nam bệnh nhân 32 tuổi nhập viện do tự chữa tại nhà - Ảnh 4.

Nhiều người mắc bệnh chữa theo mách bảo dẫn đến nhập viện bệnh diễn biến nặng.

Kiểm soát các bệnh lý về gan để phòng ung thư gan

Cho đến nay, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị viêm gan B, để phòng bệnh ung thư gan nguyên phát người bệnh cần được tiêm vaccine ngừa viêm gan B. Ở người lớn, tất cả những người chưa bị nhiễm virus viêm gan B cần tiêm chủng càng sớm càng tốt để phòng bệnh viêm gan B. Trẻ em cần tiêm vaccine phòng viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con.

Bệnh viêm gan C hiện chưa có vaccine phòng ngừa. Để kiểm soát nguy cơ viêm gan siêu vi C, bản thân mỗi người cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình khỏi nhiễm bệnh bằng cách tránh các đường lây truyền của bệnh, kiểm tra sức khỏe và kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Các triệu chứng ung thư gan thường không rõ ràng vì vậy nếu có triệu chứng bất thường nên chủ động thăm khám kịp thời. Kiểm soát các bệnh về gan định kỳ là một trong những cách giúp phát hiện bệnh sớm, ngay khi chưa có biểu hiện bệnh.

Xem thêm video đang được quan tâm

Chế độ kiêng nào giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19


K. Mai
Ý kiến của bạn